Theo Aboluowang, dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng gai đen là đổi màu da ở các vùng nếp gấp như cổ, nách, háng, khuỷu tay, đầu gối và đốt ngón tay. Lúc đầu, da có thể xam xám, nhìn như dính bẩn, sau đó sẽ đen dần lên, có cảm giác thô ráp. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có mùi hôi.
Nguyên nhân của bệnh gai đen thường do nồng độ insulin quá cao hoặc bất thường về nội tiết khiến tế bào sừng, tế bào sợi trong da tăng sinh bất thường khiến da thô ráp, sẫm màu. Các nguyên nhân khác như u nang buồng trứng, tuyến giáp hoạt động kém hoặc các vấn đề với tuyến thượng thận. Một số loại thuốc và chất bổ sung (niacin liều cao, thuốc ngừa thai, prednisone và thuốc corticosteroid) cũng dẫn tới gai đen. Tình trạng này còn có thể do di truyền.
Rối loạn trên phổ biến ở những người béo phì và kháng insulin, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Phòng và điều trị
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh gai đen. Việc điều trị các tình trạng tiềm ẩn có thể hồi phục màu sắc và kết cấu bình thường cho vùng da bị ảnh hưởng. Do đó, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi tại vùng da bị ảnh hưởng kết hợp điều trị các bất ổn sức khỏe hiện có.
Thể lành tính: Bệnh tiến triển chậm, tổn thương giảm dần nếu tình trạng béo phì được cải thiện. Người bệnh cần giảm trọng lượng cơ thể về mức khỏe mạnh với chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
Thể liên quan đến bệnh tiểu đường hoặc u ác tính: Khi kiểm soát được bệnh tiểu đường, cắt bỏ u, tình trạng gai đen se thuyên giảm.
Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Để phòng ngừa gai đen, chúng ta có thể điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh như đảm bảo cân nặng phù hợp, tránh tình trạng béo phì; phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường nhất là thể kháng insulin; hạn chế sử dụng các loại thuốc, chất bổ sung có thể làm nặng tình trạng bệnh hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh; điều trị triệt để các u.