Theo chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Hoàng Thị Ngân, Viện tâm lý học, xã hội ngày càng phát triển, nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng phải quản lý, sát sao hơn với trẻ để chúng tránh những thói hư tật xấu, giúp con phát triển một cách lành mạnh. Tuy nhiên, phụ huynh không biết một điều, chính việc quá nuông chiều hoặc quá khắt khe đều khiến trẻ áp lực, mệt mỏi và sinh ra hành vi chống đối, làm ngược lời ba mẹ dạy. Dưới đây là 6 hành động phụ huynh không nên làm với con:
Kiểm soát mọi hành vi của trẻ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, phụ huynh kiểm soát con thái quá sẽ khiến trẻ không biết cách tự quản lý cảm xúc của bản thân. Khi được cha mẹ quá bao bọc, trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng thích nghi xã hội, kết bạn hay phân tích hành vi.
Do vậy, cha mẹ hãy để trẻ tự làm một số việc trong gia đình, không quá nuông chiều, cho trẻ quyền tự lập, tự khám phá. Phụ huynh có thể đưa ra lời khuyên, động viên giúp trẻ vượt qua những tình huống khó khăn nhưng không nên áp đặt.
Chúng ta cũng có thể trò chuyện với trẻ về cảm xúc và giúp trẻ đối phó với căng thẳng. Những điều này sẽ có tác dụng hình thành tính tự lập, đối diện khó khăn, trở thành kỹ năng khi trẻ trưởng thành.
(Ảnh minh hoạ: Buscadedios)
Dùng đòn roi, bạo lực
Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là những vùng nông thôn vẫn tin rằng đòn roi là phương pháp kỷ luật tốt nhất cho con trẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lạm dụng bạo lực trong giáo dục trẻ dẫn đến rất nhiều hậu quả, trong đó có hành vi chống đối xã hội, rối loạn tâm lý, nghiện rượu bia và chất kích thích.
Phụ huynh chỉ nên dùng đòn roi như một biện pháp cảnh cáo và chỉ được dùng khi thực sự cần thiết, không dùng thời xuyên. Hãy cùng trò chuyện với trẻ để hỏi về nguyên nhân sự việc thay vì quát mắng, đánh đòn ngay khi con phạm lỗi.
So sánh với “con người ta”
Việc so sánh con với những đưa trẻ nhà khác là điều nhiều cha mẹ thường xuyên mắc phải. Nhất là khi phụ huynh biết kết quả học tập của con chưa cao.
Nếu phụ huynh thường xuyên so sánh như vậy sẽ hạ thấp lòng tự trọng và giá trị của trẻ, tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Trẻ cần tình yêu thương và sự ủng hộ của cha mẹ trong mọi tình huống. Vì vậy hãy nói với con những điều tích cực, tránh khiến trẻ thất vọng hay chán nản.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên quá vỗ về, khen ngợi khi con chưa đạt được thành tích cao; hãy nhẹ nhàng khích lệ hoặc nghiêm khắc một chút để trẻ có động lực làm tốt hơn ở lần sau.
Không có cha mẹ nào muốn con mình trở thành kẻ thất bại. Một số người còn đặt ra kỳ vọng quá cao. Thế nhưng nếu mục tiêu không thực tế, trẻ có thể mắc các chứng rối loạn như mất ngủ, giận dữ, mệt mỏi hoặc lo lắng. Hãy dành thời gian và suy nghĩ xem liệu bạn có đốc thúc con nhiều hơn mức cần thiết hay không?
Không cáu gắt, bực tức trước mặt con
Trẻ em hấp thụ các giá trị từ cha mẹ và chúng cũng sẽ sao chép hành vi của cha mẹ. Vì vậy, nếu trẻ dành phần lớn thời gian cho cha mẹ và có hành vi xấu, cha mẹ hãy tự nhìn lại bản thân mình đầu tiên.
Hãy tưởng tượng rằng con bạn đang làm sai. Bạn sẽ la hét và yêu cầu con dừng ngay hành động đó lại. To tiếng thực sự là một phương pháp hiệu quả giúp chúng ta thoát khỏi cảm xúc sôi sục trong vài giây. Và nhiều phụ huynh còn tin rằng to tiếng quát con là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề ngay lúc đó. Nhưng cha mẹ đã bao giờ tự hỏi về hậu quả của kiểu nuôi dạy con như vậy chưa?
Thực tế, việc chúng ta la hét, quát mắng, thậm chí chửi rủa con có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tệ hơn. Con chỉ sợ hãi ngay lúc đó, nhưng một lần, hai lần, ba lần... trẻ không còn sợ hãi và sinh ra hành vi chống đối như cáu kỉnh, cãi lời, vứt đồ đạc.
(Ảnh minh hoạ: Lifehack)
Thường xuyên dọa dẫm
Đôi khi phụ huynh tỏ ra hung dữ để trẻ sợ và điều chỉnh hành vi. Ví dụ: "Nếu con không ngừng lại, mẹ sẽ vứt con cho người đàn ông kia và ông ta sẽ nhốt con đấy!". Chiến thuật dạy con này có thể khá hiệu quả, nhưng phụ huynh không nên dùng.
Các nhà khoa học giải thích rằng, trẻ em không thể nghĩ về hành vi của chúng khi chúng sợ hãi. Trẻ cũng sẽ sợ cảnh sát, bác sĩ và những người khác mà cha mẹ sử dụng cho mục đích này. Hơn nữa, chúng sẽ sợ hãi nhiều hơn khi não bộ đã quen xử lý nhanh thông tin gây sợ hãi. Do vậy, tốt hơn là tìm những cách khác với kết quả có lợi hơn để kỷ luật con trẻ.
Tránh mọi chủ đề nhạy cảm
Một số cha mẹ có xu hướng tránh thảo luận các chủ đề liên quan đến giới tính và tình dục với con. Ngay cả khi con đã là thanh thiếu niên, họ vẫn nghĩ chủ đề này quá nhạy cảm. Họ hy vọng con sẽ tự tìm hiểu ở trường hoặc từ bạn bè. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học, quan điểm này thể hiện sự vô trách nhiệm của phụ huynh.
Việc cha mẹ thảo luận về quan hệ tình dục với con cái là điều thực sự quan trọng. Nếu họ lẩn tránh, con họ có thể quan hệ tình dục sớm hoặc thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn.
Theo MINH KHÔI (VTC News)