6 lưu ý khi ăn rau mồng tơi

28/05/2024 - 09:13

Rau mồng tơi được dùng trong các bữa ăn hàng ngày hoặc làm thuốc chữa bệnh, khi ăn rau mồng tơi chúng ta cần lưu ý một số điều để tránh gây hại cho cơ thể.

Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec thông tin, ăn rau mồng tơi có tác hại gì sẽ phụ thuộc vào cách sử dụng cũng như liều lượng ăn, cách thức chọn rau cũng như bảo quản rau. Vì vậy khi sử dụng rau mồng tơi, cần lưu ý một số điều sau để tránh gây tác hại cho cơ thể.

Ăn rau mồng tơi có tác hại gì sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. (Ảnh minh hoạ)

Ăn rau mồng tơi có tác hại gì sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. (Ảnh minh hoạ)

Lưu ý khi ăn rau mồng tơi

Tác hại với người bị sỏi thận

Rau mồng tơi chứa nhiều purin, sau khi ăn sẽ biến thành axit uric, tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Vì vậy những người sỏi thận ăn vào sẽ có tác hại.

Tác hại với người mới lấy cao răng

Rau mồng tơi dễ tạo mảng ố bám trên răng, vì vậy những người mới lấy cao răng không nên ăn mồng tơi trong 1-2 tuần đầu.

Người bị đau dạ dày, bị tiêu chảy hoặc đại tiện lỏng

Chất xơ lớn trong rau mồng tơi có thể khiến dạ dày khó chịu khi ăn nhiều. Bên cạnh đó những người bị tiêu chảy, đại tiện lỏng cũng không nên ăn, bởi rau mồng tơi có tính hàn, nếu ăn phải sẽ khiến triệu chứng càng thêm nặng.

Rau bị phun thuốc tăng trưởng

Rau mồng tơi an toàn thường có màu xanh hơi vàng, phiến lá ngắn và dày, phát triển cân đối, thân rau giòn, rắn chắc. Còn rau được phun thuốc tăng trưởng sẽ xanh mướt, xanh đậm, bóng mượt. Ăn phải rau được phun thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Không nên ăn rau mồng tơi với thịt bò

Khi ăn rau mồng tơi với thịt bò thì tính nhuận tràng sẽ mất đi và tiêu hóa kém hơn, nhất là với những người bị táo bón thì sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, tốt nhất khi ăn rau mồng tơi nên ăn kèm các loại thực phẩm chứa vitamin C.

Ăn rau mồng tơi sống hoặc để qua đêm

Rau mồng tơi khi ăn sống sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Còn nếu để qua đêm sẽ khiến hàm lượng nitrat trong rau xanh chuyển thành nitrit, đây là chất gây ung thư. Do đó, không nên ăn rau mồng tơi sống hoặc để qua đêm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Tổng quan về rau mồng tơi

Rau mồng tơi có 2 loại dây trắng và tía, tuy nhiên, loại tía được đánh giá là tốt hơn. Đây là loại thực vật thân leo, có hoa, thân mọng nước, bên ngoài vỏ màu xanh thẫm hoặc tía, trong thân chứa nhiều chất nhớt, lá mồng tơi màu xanh, dày. Hoa mọc xen ở các kẽ lá, có màu trắng hoặc tím đỏ, quả mồng tơi hình cầu, mọng nước, rễ chùm và ăn sâu vào lòng đất.

Cây mồng tơi được trồng rộng rãi ở khắp mọi nơi để làm thực phẩm và cung cấp dược liệu chữa bệnh. Toàn cây mồng tơi đều có thể dùng dùng làm thuốc trị bệnh trong y học cổ truyền.

Trong rau mồng tơi có các chất như vitamin C, A, PP, B1, B2, pectin, saponin, polysaccharide; tinh bột, chất đạm và béo, canxi, sắt, nước và folate rất tốt cho cơ thể con người và giàu dinh dưỡng.

Con người có thể sử dụng rau mồng tơi trong các bữa ăn hàng ngày hoặc làm thuốc chữa bệnh, tuy nhiên, không nên quá lạm dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo VTC