Hạ canxi máu thường được gọi là thiếu canxi, xảy ra khi lượng canxi trong máu xuống thấp. Thiếu canxi vô cùng phổ biến, theo ước tính vào năm 2015, toàn cầu có trên 3,5 tỉ người có nguy cơ bị thiếu canxi.
Nghiên cứu tại Pakistan cho thấy có 41% phụ nữ bị thiếu canxi và vitamin D, và gần 80% trong số này có các triệu chứng rõ ràng như đau lưng, chân và khớp.
Bệnh viện đại học Hoàng gia Liverpool từng thực hiện nghiên cứu 1.038 người cho thấy có tới trên 55% bị thiếu canxi, trong đó 6,2% bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Thiếu hụt canxi lâu dài sẽ khiến sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng, các biến chứng khi thiếu canxi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Dưới đây là một số triệu chứng khi cơ thể thiếu canxi:
Đau nhức cơ
Đau cơ, chuột rút là những dấu hiệu sớm nhất của thiếu hụt canxi. Mọi người có xu hướng cảm thấy đau ở đùi và cánh tay, đặc biệt là vùng dưới cánh tay, khi đi bộ hoặc vận động.
Sự thiếu hụt canxi cũng có thể gây tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, chân và quanh miệng. Khi đó, mức độ thiếu hụt đã ở mức nghiêm trọng hơn.
Cực kỳ mệt mỏi, hay quên
Canxi xuống thấp sẽ khiến bạn cực kỳ mệt mỏi, thiếu năng lượng, hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung, hay quên, lú lẫn, thậm chí rơi vào tình trạng sương mù não và hôn mê.
Thay đổi móng và da
Da bạn sẽ khô hơn, có thể bị ngứa, móng tay khô, dễ gãy hơn, tóc cũng bị rụng nhiều hơn, có thể từng mảng hình tròn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa tình trạng thiếu canxi với bệnh chàm và vảy nến. Trong khi bệnh chàm có khả năng điều trị cao thì vảy nến buộc phải sống chung cả đời, chưa có cách chữa trị triệt để.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng phổ biến nhất khi thiếu canxi, làm giảm mật độ khoáng chất trong xương khiến xương mỏng, giòn và dễ gãy hơn. Loãng xương cũng có thể gây ra đau đớn, khó thực hiện một số tư thế và cuối cùng là tàn tật.
Hội chứng tiền kinh nguyệt đau đớn
Mức canxi thấp gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng, thường kéo dài 1-2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt.
Những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt nhẹ có thể gây rối loạn cảm xúc, mất ngủ, khó tập trung đến những biểu hiện thực thể như phù, tăng cân, đau đầu, đau bụng kinh, đau nhức toàn thân…
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, những trường hợp thường xuyên bị triệu chứng tiền kinh nguyệt đã cải thiện tâm trạng đáng kể và giảm tình trạng phù do giữ nước khi uống 500 mg canxi mỗi ngày trong vòng 2 tháng.
Gặp vấn đề về răng miệng
Thiếu canxi sẽ khiến răng bị yếu, giòn và dễ sâu răng. Ngoài ra thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể làm chậm quá trình mọc răng.
Trầm cảm
Đã có những bằng chứng cho thấy, thiếu canxi có liên quan đến rối loạn tâm trạng, trong đó có trầm cảm.
Bất kỳ ai khi gặp những triệu chứng nói trên cần gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ canxi trong máu. Ngưỡng bình thường là từ 8,8 – 10,4 mg/dL.
Cách an toàn và dễ đàng nhất để kiểm soát và ngăn ngừa thiếu hụt canxi là bổ sung thêm canxi vào chế độ ăn thông qua thực phẩm như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, bông cải xanh, các loại hạt…
Các nhóm thực phẩm giàu canxi
Nếu bạn ăn 100g cua đồng (phần ăn được), có thể dung nạp được 5.000 mg canxi, 100 g vừng chứa 1.200 mg, 100 g tôm đồng chứa 1.120 mg, 100 g ốc chứa 1.310 mg…
Lượng canxi khuyến nghị trong chế độ ăn hàng ngày là 1.000 mg cho những người trong độ tuổi 19-50. Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi cần nhiều hơn.
Hầu hết những người bị thiếu hụt canxi ở mức độ nhẹ có thể bổ sung dễ dàng qua ăn uống, các triệu chứng cai thiện trong một vài tuần.
Những người bị thiếu hụt nghiêm trọng cần được theo dõi để ngăn ngừa biến chứng. Bạn không nên tự ý bổ sung canxi uống nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, việc nạp quá nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Theo M.ANH (Vietnamnet)