Việt Bắc gắn kết với Điện Biên - Tây Bắc như một nhịp cầu lịch sử, mang âm hưởng hào hùng và mãnh liệt của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
AA
Di tích lịch sử lán Tỉn Keo – ATK Định Hóa, nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/12/1953 quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyên Ngọc
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, cùng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi bằng vàng trong chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau ngày 7/5/1954 lại xuất hiện một cụm từ như là biểu trưng của thời đại: "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ". Ở đây, Việt Nam chính là đất nước anh hùng, là con người sáng tạo; Hồ Chí Minh là đường lối đúng đắn và Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang. Bẩy thập kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm biến thiên của thế giới, nhưng những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thần thánh luôn mang ý nghĩa sâu sắc và sống mãi với thời gian.
Ở Điện Biên Phủ, người Pháp luôn cho rằng đây là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là pháo đài không thể công phá. Tuy nhiên, những mưu đồ, toan tính của Pháp đã bị thất bại hoàn toàn. Chúng ta đã hạ quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch ở phút cuối cùng, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Từ chỗ chủ trương diệt địch trong hai ngày, ba đêm trong một trận, ta đã chuyển sang tiêu diệt địch từng bộ phận, bóp nghẹt chúng trong một hệ thống trận địa sáng tạo, tiến công và bao vây địch, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm. Tất cả đã làm nên chiến thắng vang dội "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" để rồi "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng".
Nếu nói Điện Biên là địa điểm kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ thì Thái Nguyên chính là nơi phát tích của chiến dịch lịch sử này. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm, Thái Nguyên là An toàn khu, trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến của cả nước. Hầu hết các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quân đội ta ở và làm việc tại Thái Nguyên. Hơn nữa, hầu hết các quyết sách lớn trong thời kỳ từ sau Ngày toàn quốc kháng chiến đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi đều ra đời ở đây. Một trong những quyết sách quan trọng đó chính là mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thái Nguyên đã cùng quân, dân vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4… tập trung mọi sức lực, của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 671 tấn gạo; gần 29 tấn thịt lợn, trâu, bò; 10 tấn đỗ, lạc, vừng cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ngoài việc huy động 9.559 dân công đi làm đường, sửa chữa cầu cống phục vụ Chiến dịch, Thái Nguyên còn huy động hàng nghìn dân công đi vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược lên chiến trường Điện Biên.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nguyên Ngọc
Chúng tôi có cuộc hành trình trở lại miền Tây Bắc xa xôi, trở lại mảnh đất Điện Biên lịch sử đúng vào thời điểm sau 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đi trên cung đường trải thảm nhựa quanh co, từ trên cao nhìn xuống, những bản làng của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao… sống quây quần xen lẫn màu xanh trùng điệp của núi rừng, mọi người như cảm nhận được hết thảy sự đổi thay nơi miền đất cuối trời Tây Bắc xa xôi này. Đi dọc tuyến đường nối liền các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, trong mỗi chúng tôi như cảm nhận được đâu đó còn vang vọng những bước hành quân hùng dũng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Được xem là tâm điểm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Bắc, Điện Biên có nhiều lợi thế hơn cả với hệ thống đường biên giới dài, thuận tiện trong phát triển kinh tế cửa khẩu. Tỉnh có sân bay Điện Biên Phủ nối đường bay thẳng với Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Đây cũng là địa phương giàu tài nguyên khoáng sản, là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh cũng có nhiều sông suối, là vùng đầu nguồn sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông, thuận tiện cho phát triển giao thông đường thủy. Đời sống văn hóa, lễ hội, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Điện Biên rất phong phú.
Vào dịp cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách trong và ngoài nước lại cùng quây quần về mảnh đất Điện Biên một thời máu lửa, cùng thành kính bên Tượng đài chiến thắng uy nghi, thắp nén nhang thơm trong ngôi đền liệt sĩ mới xây dựng, bên mộ phần các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 và tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng trong quần thể di tích Điện Biên Phủ.
Cùng với Điện Biên, Lai Châu và cả vùng Tây Bắc rộng lớn và trù phú, Thái Nguyên - “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn” năm xưa giờ đã thật sự vươn cánh bay lên cùng cả nước. Kinh tế của tỉnh những năm gần đây tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối tài chính và có điều tiết một phần về Trung ương; đứng tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… Mảnh đất này còn là một trong những cái nôi giáo dục - đào tạo trọng điểm của cả nước, nơi đây có Khu du lịch hồ Núi Cốc huyền thoại cùng các di tích lịch sử, danh thắng đặc sắc khác. Cùng với đó là các sản vật đặc trưng mà nổi tiếng là chè xanh Tân Cương với vị đượm, thơm ngon không nơi nào có được…
“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Thiên sử vàng chói lọi đó giờ lại được lớp lớp các thế hệ con dân đất Việt viết tiếp trên hành trình hướng tới tương lai tươi sáng, rộng mở.
Theo Báo Thái Nguyên
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: