Phong trào Thanh niên tình nguyện ngày càng hiệu quả với nhiều chương trình sôi nổi, phong phú, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh, phát huy trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng, xã hội. Ảnh: TTXVN
Các phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua gian nan, thử thách, trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lời kêu gọi thi đua hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "... mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mọi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Dấu ấn từ các phong trào thi đua
Cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Vientiane (Lào) quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt, ngày 25/10/2020. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"...
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan tỏa trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng bào dân tộc vùng cao Yên Bái tham gia làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN
Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết, 5 năm qua (2017 - 2022), phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, điển hình như: Đồng Nai triển khai, nhân rộng xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu; Sóc Trăng quản lý chất lượng nông sản thông qua các mô hình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; Bình Phước có mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế”, mô hình “Chuỗi cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng”; Đắk Nông với mô hình trồng dưa lưới sạch, mô hình “Sản xuất cà phê sinh thái” của huyện Đắk R’lấp…
Nhiều cá nhân tích cực tham gia phong trào và có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Ông Nguyễn Hữu Đây (phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước)hiến gần 7.000 m2 đất trị giá hơn 7 tỷ đồng để làm đường giao thông. Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân (ấp Cao Su, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) đã có nhiều sáng tạo, chế tạo, cải tiến các máy móc phục vụ trong sản xuất nông nghiệp như cải tiến máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu...
Lũy kết đến hết tháng 4/2023, cả nước đã có 6.009/8.211 xã (đạt 73,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.138 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 257 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 40%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bỏ lại phía sau” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Trong ảnh: Huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Sau 5 năm triển khai, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Đảng và nhân dân, là động lực quan trọng mang lại những thành tựu lớn và toàn diện trong lĩnh vực giảm nghèo. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước giảm khoảng 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Kết quả giảm nghèo ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, thông qua phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, nhiều giải pháp hỗ trợ về phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: Tham mưu hoặc ban hành văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua nhiều gói hỗ trợ; thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; gia hạn thời hạn nộp thuế và cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp...
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt ‘‘Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bỏ lại phía sau” và công tác giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các ngành, các cấp. Trong ảnh: Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tổ chức chương trình hỗ trợ gạo miễn phí cho hộ gia đình nghèo qua cây ATM gạo tự động. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều hành động đẹp, thiết thực góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Cùng với đó nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19 của đất nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân, cả nước đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được phát động và tổ chức triển khai sâu rộng ở các ngành, các cấp, các vùng miền, địa phương trong cả nước, đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, điển hình phải kể đến là phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng, “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an, hay các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Theo CHU THANH VÂN (Báo Tin Tức)