Một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cục Đường cao tốc Việt Nam đã hoàn tất công tác đàm phán và thực hiện ký kết hợp đồng Dự án đầu tư kinh doanh của 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết (2 trạm), Phan Thiết-Dầu Giây.
Cục Đường cao tốc Việt Nam đang yêu cầu các Ban Quản lý dự án 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh khẩn trương cung cấp thông tin về tiến độ, lộ trình bàn giao mặt bằng (bằng văn bản) cho nhà đầu tư/doanh nghiệp trước ngày 10/8/2024 để nhà đầu tư xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án và triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu của hợp đồng.
Các ban quản lý dự án nêu trên cũng được yêu cầu việc trực tiếp với các địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ chậm nhất trong tháng Tám này nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Các nhà đầu tư xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án, trong đó thể hiện khối lượng, tiến độ, thời gian thực hiện… của các hạng mục cụ thể, đặc biệt các công trình thiết yếu, cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ yêu cầu, gửi ban quản lý dự án và cục để theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, ban quản lý dự án phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan của địa phương để thống nhất và có hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc nộp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 15/8/2024.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương tổ chức khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng để phê duyệt dự án đầu tư, hoàn thiện các thủ tục liên quan về môi trường, phòng cháy… , lựa chọn nhà thầu thi công để triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.
“Mục tiêu đến cuối năm 2024, cả 8 trạm đều hoàn thành công trình thiết yếu. Các công trình thương mại khác có thể hoàn thành sau đó một thời gian,” ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho hay.
Được biết, quy mô mỗi trạm dừng rộng từ 3-7ha nằm ở hai bên đường. Các hạng mục xây dựng gồm dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Trạm dừng nghỉ còn có các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ sửa chữa... Các dự án sẽ thực hiện trong 15-17 tháng, sau đó nhà đầu tư được quyền khai thác trạm dừng nghỉ trong 25 năm.
Tại mỗi dự án trạm dừng nghỉ, nhà đầu tư phải nộp ngân sách từ 50 đến hơn 100 tỷ đồng và chi phí xây dựng trạm từ 200 đến hơn 300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 20-30 tỷ đồng./.
Theo Vietnam+