Vận động xã hội hóa xây dựng nhà cho hộ nghèo
Giữa tháng 4/2024, tại huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025.
Theo Thủ tướng, phong trào này là sự tiếp nối lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948), đưa thi đua yêu nước trở thành truyền thống quý báu, một tài sản vô giá, một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở cụ thể, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước; MTTQVN các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn
Tại An Giang, giai đoạn 2019 - 2024, UBMTTQVN các cấp đã vận động cất mới 10.187 căn nhà Đại đoàn kết, số tiền 430 tỷ đồng; sửa chữa 1.296 căn nhà, số tiền 12,6 tỷ đồng...
Dù rất nỗ lực nhưng trên cả nước vẫn còn trên 315.000 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Theo các chương trình hiện có, dự kiến đến hết năm 2025, các địa phương sẽ triển khai hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ. Như vậy, vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát, thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nghị quyết 42-NQ/TW, ngày 24/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” đặt mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) là “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42-NQ/TW, với mục tiêu vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước phải hướng đến 1 mục tiêu: Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Đồng thời, thực hiện 2 phát huy là: Phát huy các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân; phát huy truyền thống, văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần "tương thân tương ái", “lá lành đùm lá rách” để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó là 3 bảo đảm: Bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Về huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực, có tính toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương sẽ dành nguồn vốn ngân sách theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
“Chính phủ và các địa phương kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong định hướng phát triển của Việt Nam, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, bởi “an cư mới lạc nghiệp”. Việc chăm lo nhà ở cho người dân phù hợp với định hướng tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân, để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, chúng ta không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025), kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/1945).
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, với hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng, bao phủ và toàn diện, khác hẳn với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch khi vu cáo rằng: “Việt Nam chỉ chăm lo làm giàu cho các nhóm lợi ích, bỏ rơi người nghèo, người yếu thế”.
N.H