An Giang 45 năm xây dựng và phát triển

30/04/2020 - 03:45

 - Hình ảnh An Giang sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu. Nhờ những chủ trương lớn, quyết sách táo bạo cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, địa phương liên tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, vươn mình phát triển không ngừng.

An Giang vươn mình phát triển sau ngày thống nhất đất nước

Vượt qua cảnh đói ăn

Theo tư liệu ghi nhận, 10 năm sau ngày giải phóng (1975-1985), do ảnh hưởng cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, sức sản xuất bị kiềm hãm nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang rất chậm, hàng hóa vừa ít, vừa kém chất lượng, đất bị bỏ hoang hóa thường xuyên trên 30.000ha, xuất khẩu chỉ vài triệu USD...

Năm 1978, sản lượng lương thực chỉ đạt 369.304 tấn, bình quân đầu người 375kg/năm, gần như thấp nhất vùng ĐBSCL (chỉ hơn Bến Tre) và không cung cấp đủ gạo ăn cho nhân dân trong tỉnh. Tổng trị giá hàng hóa Trung ương điều về cho An Giang gấp 7 lần hàng của tỉnh đưa về Trung ương.

Trước tình hình đó, tỉnh chỉ đạo phải tăng cường khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, tích cực chuyển đổi lúa 1 vụ (lúa mùa) sang lúa ngắn ngày có năng suất cao hơn. Lần đầu tiên, tỉnh chủ trương cho vận động bà con nông dân đắp đập chống lũ ở vùng chữ O Phú Tân (năm 1976), đê bao chống lũ triệt để một số vùng ở Chợ Mới (năm 1978) và chủ trương tiến tới toàn tỉnh đắp đê bao chống lũ, bảo vệ sản xuất toàn bộ vụ hè thu (năm 1979). Chương trình thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng được tập trung đẩy mạnh trong toàn tỉnh với số vốn đầu tư rất cao (chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh lúc bấy giờ), đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho việc mở rộng lúa tăng vụ.

Giai đoạn 1986-1990, An Giang bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương “giá lương tiền”, giải phóng lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Lúc bấy giờ, nền kinh tế cả nước đang xuống thấp, lạm phát lên đến 700%, khủng hoảng kinh tế xuất hiện, đời sống nhân dân khó khăn, thất nghiệp gia tăng...

Trước tình hình đó, tỉnh đã chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, giúp nền kinh tế dần hồi phục, thế mạnh nông nghiệp được phát huy. Năm 1981-1982, nhận thấy cơ chế giá cả được chuyển đổi từ giá bao cấp “1 giá” của nhà nước không phù hợp thực tế, An Giang đã sớm cho chuyển sang cơ chế “2 giá” (gồm giá quốc doanh và giá thoả thuận).

Giai đoạn 1982-1986, tỉnh cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong nông nghiệp, gồm giá trong nghĩa vụ (1kg Urea = 4kg lúa, 1 lít xăng = 8kg lúa) và giá khuyến khích. Đến năm 1987, tỉnh mạnh dạn chủ trương thực hiện cơ chế “1 giá” là giá thị trường của thời kỳ đổi mới. Từ đó, nông dân được tự do bán sản phẩm với giá mình chọn, kích thích năng lực sản xuất tăng lên nhanh chóng.

45 năm xây dựng và phát triển

An Giang xuất khẩu mạnh lương thực

Phát huy nội lực

Thực hiện Chỉ thị 47 của Bộ Chính trị, tỉnh đã có Quyết định 303 tiến hành giao đất ruộng lại cho nông dân trực tiếp canh tác, tôn trọng quyền sử dụng hợp pháp ruộng đất lâu dài và ổn định của nông dân để phát triển sản xuất. Nhờ sự đổi mới này, năm 1988, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Việc chuyển sang cơ chế thị trường đã tạo bước ngoặt trong định hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh, đưa kim ngạch xuất khẩu năm 1989 đạt trên 60 triệu USD, gấp 9 lần năm 1985.

Đến năm 1990, An Giang tập trung nguồn vốn 66,9 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi, tạo ra một mạng lưới kênh, mương chằng chịt trong tỉnh, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên. Ngay trong năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh vượt qua ngưỡng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 120.600 tấn, tăng 16 lần so năm 1985.

Giai đoạn 1991-1995, nền kinh tế của An Giang phát triển với nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh hội nhập vào kinh tế thế giới và khu vực. Kinh tế tăng tốc, số hộ nghèo giảm dần, điện, đường, trường, trạm đã đến vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng 9,9%, cao hơn cả nước (8,2%), trong đó khu vực I là thế mạnh của tỉnh tăng trưởng bình quân 8,4%/năm, gấp đôi cả nước (4,5%). Năm 1994, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 2 triệu tấn. Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu đạt 132 triệu USD, tăng gấp đôi năm 1990, trong đó gạo đã xuất được 367.579 tấn (tăng gấp 3 lần), thu ngân sách 672 tỷ đồng (gấp 4 lần).

Tính chung giai đoạn 1991 - 1995, xuất khẩu của tỉnh đạt 500 triệu USD, tăng gấp 4 lần thời kỳ 1986 - 1990. Ngoài ra, tín dụng được mở rộng, hộ nông dân và sản xuất kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh vay tăng 128 lần.

Giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh đạt 6,88%. Thời kỳ này, kinh tế tăng trưởng có giảm do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực ASEAN, tình hình thời tiết thất thường (lũ 1996; khô hạn 1997; El nino 1998 gây ra nạn lũ lụt lớn nhất trong vòng 30 năm qua; nhiều đợt triều cường năm 1999 gây lũ sớm cục bộ ở đầu nguồn làm thất thu vụ đông xuân trên 90.000 tấn...).

Tuy vậy, tỉnh vẫn tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp, phục vụ sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ/năm ở những vùng có điều kiện, kết hợp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường liên xã.

Đặc biệt, các công trình thoát lũ ra Biển Tây và xây dựng cụm, tuyến dân cư bước đầu phát huy hiệu quả tốt, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra. Năm 1997, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất 168 triệu USD, trong đó lượng gạo xuất khẩu đạt 618.303 tấn. Đến cuối năm 2000, toàn tỉnh có 10.736 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút gần 60.000 lao động...

Phát triển theo hướng bền vững

Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP của An Giang đạt bình quân 8,94%; GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 8,53 triệu đồng, gấp gần 8 lần năm 1991. Bước sang giai đoạn 2006-2010, cùng với cả nước, nền kinh tế An Giang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế thế giới kéo dài.

Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung được nguồn vốn đầu tư hơn 8.226 tỷ đồng cho hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư, khai thác tốt lợi thế du lịch, xây dựng kinh tế biên giới Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương… Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này đạt 10,18%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh (khu vực nông - lâm – thủy sản chiếm 34,43%, công nghiệp - xây dựng chiếm 12,1%, khu vực dịch vụ chiếm 53,46%); GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt hơn 21,9 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD...

Giai đoạn 2011-2015, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định; 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh (lúa, cá tra) gặp nhiều tác động bất lợi. Trước tình hình này, An Giang đã tập trung nguồn lực đầu tư hơn 13.490 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 8,63%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 39,274 triệu đồng (tăng 1,32 lần so với năm 2010). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 147.276 tỷ đồng (gấp 1,69 lần so giai đoạn 2006-2010); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 26.163 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,65 tỷ USD (tăng 1,65 tỷ USD so giai đoạn 2005-2010).

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) với chủ đề Với chủ đề: “ Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để phát triển nhanh và bền vững”.

Tỉnh đã chọn 3 khâu đột phá để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gồm: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư; đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và thế giới đã có tác động lớn đến mục tiêu tăng trưởng của An Giang giai đoạn 2016-2020. Dự ước có 8/14 chỉ tiêu đạt và vượt so Nghị quyết Đại hội (chiếm 71,43%).

Trong đó, các chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ước đạt 5,25% (chỉ tiêu 7%); GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt hơn 46,8 triệu đồng (chỉ tiêu 48,6 triệu đồng); tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm 127.360 tỷ đồng (chỉ tiêu 148.000 tỷ đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu 4,18 tỷ USD (chỉ tiêu 6,05 tỷ USD); thu ngân sách 5 năm 31.345 tỷ đồng (chỉ tiêu 31.985 tỷ đồng); số trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 chiếm 34,5% (chỉ tiêu 50%).

Tuy nhiên, những chỉ tiêu đạt và vượt cũng rất đáng ghi nhận, chứng minh hướng phát triển của An Giang thực chất và bền vững hơn. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2020 đạt 65%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2016-2020) đạt 1,5%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 91%.

Đặc biệt, có 61 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm gần 51,3% trong tổng số 119 toàn tỉnh. Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần kéo giảm khoảng cách nông thôn - thành thị để mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển, để “không ai bị bỏ lại phía sau”...

45 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhất là sự cần cù, sáng tạo của nhân dân đã làm cho kinh tế từng bước ổn định và phát triển.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN