An Giang chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

18/02/2022 - 06:43

 - Là địa phương có nhiều dân tộc anh em, trong đó có 4 dân tộc chính (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa) cùng sinh sống, các cấp, ngành của tỉnh An Giang đã nỗ lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về kinh tế, văn hóa, giáo dục… Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách đời sống của cộng đồng DTTS so với mức bình quân chung cả nước.

An Giang tăng cường chăm lo đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THANH TIẾN – MINH HIỂN

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly thông tin: “Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang cùng các ngành, địa phương đã triển khai, quán triệt và cụ thể hóa kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trong đó, đã thực hiện tốt Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh về mọi mặt”.

Trong thực hiện chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh kịp thời tham mưu, phối hợp cùng các ngành, địa phương hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, còn tham gia tuyên truyền để bà con thực hiện nhanh, gọn các nghi lễ truyền thống, hạn chế một số hoạt động không cần thiết nhằm phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Sene Dolta của đồng bào DTTS Khmer và tháng chay Ramadan, Tết Haji của đồng bào DTTS Chăm luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các cơ sở thờ tự của đồng bào DTTS. “Những năm qua, công tác khám, chữa bệnh trong đồng bào DTTS đã được nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị tại địa phương. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương vùng DTTS tích cực triển khai những biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe người dân. Nhìn chung, tình hình hoạt động y tế trên địa bàn có đông đồng bào DTTS khá ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì tốt. Mạng lưới y tế cơ sở cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ cho người dân sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn” - ông Men Pholly phân tích.

Trên lĩnh vực giáo dục, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động, phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước xây dựng, trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS trong năm 2021. Cụ thể, đã phối hợp vận động nguồn lực xây dựng 3 phòng học cho Trường Tiểu học “A” An Hảo (huyện Tịnh Biên), tổng trị giá tài trợ 721 triệu đồng; kết nối Tổ chức Loreto Việt Nam (Úc) tài trợ cải tạo, sửa chữa 2 nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học “B” Quốc Thái và Trường Tiểu học “B” Nhơn Hội (huyện An Phú), kinh phí tài trợ 240 triệu đồng. Quỹ Châu Á (ASIA-TAF) đã hỗ trợ 60 học bổng cho nữ sinh nghèo học giỏi tỉnh An Giang, trị giá 132 triệu đồng. Tổ chức The Dariu Foundation (Thụy Sĩ) tài trợ 45 suất học bổng cho học sinh THCS trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới với tổng trị giá 19,7 triệu đồng…

Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh xác định, sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng bào DTTS vượt qua khó khăn do dịch bệnh, ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Theo đó, sẽ xây dựng kế hoạch, thực hiện chính sách người có uy tín và gia đình chính sách tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục phối hợp cùng ngành liên quan phát huy tinh thần chủ động, thực hiện tốt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”. Bên cạnh đó, còn tổ chức quản lý, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai sâu rộng, mạnh mẽ chương trình khuyến nông phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chăm lo công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào DTTS, nâng cao công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vệ sinh phòng, chống dịch COVID-19, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào DTTS Khmer, để mọi người tham gia tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở các vùng DTTS ngày càng vững mạnh. Chủ động nắm bắt mọi diễn biến, tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS…

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025). Đây là chương trình quan trọng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho đồng bào DTTS tại An Giang” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly xác định.

THANH TIẾN