An Giang chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc

02/05/2024 - 06:07

 - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh An Giang tuy chỉ chiếm 5,1% dân số toàn tỉnh, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh xem việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, huy động cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội cùng thực hiện.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tặng quà cho người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer

Niềm vui đại đoàn kết

Hòa thượng Chau Sơn Hy (trụ trì chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) đồng thời là Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn. Hòa thượng là hạt nhân đoàn kết, thường xuyên vận động đồng bào DTTS Khmer tích cực lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi đi lại trong phum, sóc.

Sân chùa Sà Lôn là nơi bà con DTTS Khmer tập trung bẻ vỉ sắt, tập kết cát, đá, xi-măng... để thi công những tuyến đường. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều con đường bê-tông được xây dựng, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc đổi thay rõ nét. Trong nhiều công trình, hòa thượng Chau Sơn Hy trực tiếp giám sát, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với các chương trình, chính sách vùng đồng bào DTTS, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được An Giang triển khai đang có tác dụng tích cực, thúc đẩy vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới cùng vươn lên. Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú cho biết, so tổng dân số của tỉnh (hơn 1,9 triệu người), đồng bào DTTS khoảng 97.421 người (DTTS Khmer chiếm gần 4%; DTTS Chăm 0,6%; DTTS Hoa 0,3%, còn lại là DTTS khác). 

Đồng bào DTTS Khmer sống tập trung nhiều nhất ở vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên). Đồng bào DTTS Chăm sống tập trung nhiều nhất ở huyện An Phú và TX. Tân Châu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tiểu thủ công nghiệp, đánh bắt thủy sản và buôn bán nhỏ. Cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.355 hộ nghèo DTTS, chiếm 8,7% so tổng số hộ DTTS; 1.789 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 6,6%. Tỷ lệ này giảm khá nhiều so với trước đây.

Thực hiện tốt công tác dân tộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025). Theo đó, 16 xã thuộc vùng DTTS được thụ hưởng, gồm: 7 xã khu vực III (xã An Tức, Ô Lâm, Châu Lăng, Lê Trì, Núi Tô - huyện Tri Tôn; phường An Cư, Văn Giáo - TX. Tịnh Biên); 9 xã khu vực I (thị trấn Tri Tôn, xã Cô Tô, Lương Phi - huyện Tri Tôn; phường An Hảo, xã Tân Lợi, Vĩnh Trung - TX. Tịnh Biên; xã Nhơn Hội - huyện An Phú; xã Châu Phong - TX. Tân Châu; thị trấn Óc Eo - huyện Thoại Sơn). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 34 ấp đặc biệt khó khăn; Tri Tôn là huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh được giao vốn thực hiện 9 dự án và 12 tiểu dự án. Tổng vốn giai đoạn 2021 - 2025 gần 375 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển hơn 188 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 186 tỷ đồng. Lũy kế bố trí đến năm 2024 hơn 277 tỷ đồng (đạt gần 74%); giải ngân đến ngày 31/3/2024 được 90 tỷ đồng, đạt 32,5%.
Cùng với chính sách chung của cả nước, An Giang còn thực hiện chính sách đặc thù của địa phương, chăm lo hộ nghèo DTTS, tổ chức hoạt động lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS đầm ấm, đoàn kết, tiết kiệm.

Vận dụng cơ chế đặc thù

Trong chuyến làm việc tại tỉnh mới đây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao nỗ lực của An Giang - địa phương đứng thứ 3 về số lượng đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL. Ấn tượng nhất là kết quả giảm nghèo, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch nông thôn, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nâng cao thu nhập của người dân.

Đồng chí Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai đầy đủ văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 3 chương trình MTQG, cơ chế, chính sách đặc thù Nghị quyết 111/NQ-QH15 của Quốc hội khóa XV. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn; phát huy tốt truyền thống "Tương thân, tương ái", chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc; sự tham gia tích cực, hiệu quả của doanh nghiệp với đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và tôn giáo, nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là trong chức sắc và tín đồ tôn giáo; xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong đồng bào DTTS. Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Thanh Hà Niê Kđăm lưu ý: "Tỉnh An Giang cần xây dựng tốt phương án, kế hoạch bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; tiếp tục củng cố đoàn kết quân - dân, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; phát huy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia; phát triển giao lưu, giao thương với nước bạn...".

NGÔ CHUẨN