An Giang: “Chạy nước rút” hoàn thành nhiệm vụ cuối năm

15/12/2023 - 05:18

 - Thời điểm gần kết thúc năm 2023, chuyển sang năm 2024, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đều tăng tốc, “chạy nước rút” hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đối với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD), hợp tác xã, làng nghề, bên cạnh nỗ lực hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023, còn tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Mặt hàng Tết vào mùa

Thời điểm này, các DN chuyên SXKD các mặt hàng thực phẩm phổ biến tiêu dùng trong dịp Tết, như: Bánh, mứt, kẹo; khô, lạp xưởng… đang tất bật vào mùa.

Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) tung ra thị trường sản phẩm bánh đậu xanh truyền thống, với 3 hương vị chính là đậu, mè và vị sô-cô-la. Các sản phẩm có sự cải tiến về bao bì, mẫu mã trông hiện đại, bắt mắt hơn, thích hợp làm quà tặng cũng như tô thêm màu sắc cho khay bánh tiếp khách ngày Tết. Giá sản phẩm năm nay không thay đổi so với trước, từ 18.000 - 50.000 đồng/hộp (tùy trọng lượng).

Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh Trần Lê Hùng cho biết, năm nay, tình hình SXKD của DN trầm lắng hơn năm trước. Nguyên nhân một phần do người dân, DN còn “ngấm đòn” từ dịch COVID-19. Mặt khác, do ảnh hưởng tình hình thế giới biến động, người dân phải “thắt lưng, buộc bụng” nên ngại chi tiêu.

“Thời điểm này năm trước, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng từ đối tác. Nhưng năm nay, dù gần cuối năm nhưng đơn hàng còn ít. Chúng tôi đã chủ động liên hệ với các đối tác thân thiết để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm” - ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh các sản phẩm mới, Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh vẫn duy trì sản xuất mặt hàng bánh hạnh nhân truyền thống, đón đầu thị trường Tết. “Nếu những tháng trước, mỗi ngày công ty chỉ sản xuất khoảng 100kg bánh hạnh nhân thì hiện nay, sản lượng tăng 3 - 4 lần. Tuy chưa bằng năm trước nhưng là dấu hiệu khởi sắc” - ông Trần Lê Hùng thông tin.

Cùng thời điểm này, Hộ kinh doanh khô Kim Loan (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) đang tất bật với các đơn hàng Tết. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (hộ kinh doanh khô Kim Loan) cho biết, dù cận Tết nhưng giá nguyên liệu ổn định, không tăng, sản xuất khô thuận lợi. Nhờ được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện nên sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, mở rộng thị trường.

Hộ kinh doanh khô Kim Loan đang sản xuất 35 mặt hàng khô, như: Khô cá lóc nguyên con, khô cá lóc cắt sợi, khô má cá lóc, khô lưỡi cá lóc, khô cá sặc bổi, cá chạch… Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà chị Loan sản xuất khô 1 nắng, 2 nắng, 3 nắng; giá sản phẩm từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Sản phẩm được chọn lọc nguyên liệu, phơi khô trong nhà kính nên đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, được thị trường đón nhận nhiệt tình.

“Thời điểm này, số lượng đơn đã tăng khoảng 20% so với thời điểm trước. Để kịp tiến độ giao hàng, cơ sở phải tăng số lượng lao động lên 10 người, nâng sản lượng từ 500 - 800kg/ngày lên 800 - 1.200kg/ngày vào mùa cao điểm” - chị Loan thông tin.

Phát huy đặc sản

Đối với các sản phẩm đồ uống, đặc biệt là rượu, thường có sức mua tăng khi cận Tết. Anh Tạ Minh Thiện (Hộ kinh doanh Minh Thiện, phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) cho biết, thời điểm này, cơ sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Một số đơn vị phân phối, như: Hệ thống cửa hàng Phan Nam, Siêu thị Tứ Sơn… đã liên hệ đặt hàng đối với sản phẩm rượu thốt nốt và rượu vang thốt nốt.

Anh Thiện cho biết, năm trước, sản lượng rượu thốt nốt của gia đình được tiêu thụ khoảng 500 chai/tháng. Từ tháng 12 (âm lịch), sản lượng tăng gấp đôi. Năm nay, ngoài sản phẩm truyền thống là rượu thốt nốt, anh Thiện còn ra mắt thị trường sản phẩm rượu vang thốt nốt, vừa được công nhận sản phẩm OCOP nên dự đoán sức mua sẽ tăng.

Các sản phẩm rượu thốt nốt Minh Thiện sử dụng hoàn toàn từ nước thốt nốt tươi, lấy trực tiếp từ cây nên tạo hương vị thơm ngon tự nhiên, đặc trưng của nước thốt nốt vùng Bảy Núi. Giá bán rượu thốt nốt hiện tại 110.000 đồng/chai (bán lẻ), rượu vang thốt nốt 130.000 đồng/chai, mức giá bình dân so với chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi đang nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm rượu trái thốt nốt chín để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng” - anh Thiện chia sẻ.

Xây dựng được thương hiệu từ sản phẩm tương hột truyền thống, Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chủ tịch Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ Đỗ Thị Giao Linh cho biết, năm 2023 là năm rất khó khăn trong hoạt động SXKD của DN nói chung. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Sở Công Thương, UBND TX. Tân Châu và các ban, ngành, kế hoạch SXKD của DN đạt các chỉ tiêu đề ra. Ngoài thị trường ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm tương Thanh Hồ đã phát triển nhanh tại thị trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy mạnh sang thị trường Campuchia.

Để tăng tốc “về đích” cuối năm, công ty đã sắp xếp lại các bộ phận sản xuất, cắt giảm các chi phí không cần thiết để tập trung nâng cao chất lượng, giữ vững khách hàng và thị trường truyền thống. Nếu như trước đây, nguồn nguyên liệu được nhập chủ yếu từ Campuchia thì nay, DN chuyển sang nhập khẩu từ các quốc gia phát triển, như: Hoa Kỳ, Canada…, nhằm đảm bảo sản phẩm có độ đồng đều cao, giá thành cạnh tranh khi mua số lượng lớn. “Đạt được kế hoạch SXKD, giữ vững thị trường tiêu thụ là nhờ Nhà nước đã hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng DN. Thông qua chương trình đổi mới sáng tạo, DN được tỉnh tạo điều kiện về vốn, thiết bị, công nghệ để đưa vào sản xuất nhằm hạ chi phí, giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường” - bà Đỗ Thị Giao Linh nhấn mạnh.

Khẳng định thương hiệu

Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động nhưng An Giang vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khoảng 1,172 tỷ USD, tăng 1,42% so năm 2022. Kết quả này có được nhờ tỉnh phát huy lợi thế các ngành hàng nông sản chủ lực, đặc biệt là lợi thế lúa gạo khi kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 340 triệu USD, tăng 8,97% so năm 2022.

Một trong những điểm sáng trong xuất khẩu gạo của An Giang là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2023. Phát huy đà thắng lợi trong xuất khẩu gạo, Tập đoàn Lộc Trời càng chú trọng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và nâng cao chất lượng, uy tín trên thị trường.

Tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (diễn ra từ ngày 11 - 14/12), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố xác lập 3 kỷ lục Việt Nam cho Tập đoàn Lộc Trời, bao gồm: DN đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận SRP100 trong 4 năm liên tiếp (từ 2020 - 2023) về áp dụng tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP; DN có số lượng huấn luyện viên SRP (SRP Authorized Trainer) nhiều nhất Việt Nam (125 người) và DN có tổng diện tích vùng liên kết sản xuất lúa năm 2024 lớn nhất Việt Nam (256.000ha).

Cộng với kỷ lục DN có “Lực lượng cùng nông dân ra đồng lớn nhất Việt Nam (1.200 người)" được xác lập ngày 23/8/2015, Tập đoàn Lộc Trời đang sở hữu 4 kỷ lục Việt Nam. Những kỷ lục này là dấu ấn ghi nhận nỗ lực của Tập đoàn Lộc Trời trong hành trình thực hiện sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững” của tập đoàn trong suốt 30 năm qua.

Chủ động góp phần vào phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam, từ năm 2015, Tập đoàn Lộc Trời gia nhập SRP (Sustainable Rice Platform), tiên phong áp dụng quy trình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP - bộ tiêu chí cho sản xuất lúa gạo uy tín trên thế giới.

Đến nay, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt 100 điểm tuyệt đối theo tiêu chuẩn SRP100 và đạt liên tục 4 năm liền (từ 2020 - 2023). Tập đoàn Lộc Trời còn phối hợp Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức đào tạo “Huấn luyện viên được SRP ủy quyền” (SRP Authorized Trainer) cho 125 nhân sự thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Lộc Trời từ năm 2019 - 2022.

Các nhân sự sau khi hoàn thành khóa học, được chính thức công nhận là các huấn luyện viên SRP quốc tế, có thể trực tiếp tham gia tập huấn cho nông dân tham gia mô hình SRP100. Các thành viên SRP Authorized Trainer là lực lượng nòng cốt để triển khai vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo sinh kế cho bà con nông dân.

Trong khi đó, kỷ lục “DN có tổng diện tích vùng liên kết sản xuất lúa năm 2024 lớn nhất Việt Nam (256.000 ha)” được hình thành từ nỗ lực và quyết tâm của Tập đoàn Lộc Trời, sự ủng hộ của bà con nông dân và các cấp chính quyền đối với chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn. “Tập đoàn Lộc Trời rất vui mừng lập được xác lập 3 kỷ lục mới. Qua đó, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục con đường đã chọn, gắng sức hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bà con nông dân, cho nền nông nghiệp bền vững của đất nước” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.

Nỗ lực “về đích”

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, trong bối cảnh phức tạp của thế giới nhưng với nhiều nỗ lực, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh vượt 200.000 USD so với kế hoạch. Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu gạo của tỉnh là các DN đã tận dụng được thời cơ về giá gạo, đẩy mạnh giao hàng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Ngoài thị trường Trung Quốc, Philippines, gạo của các DN trong tỉnh còn xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có thị trường EU.

“Năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành công thương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi.

Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu DN. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang; thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics chuyên ngành vận tải” - ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, vượt qua khó khăn, tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ước đạt 41.320 tỷ đồng, tăng 23,79% so năm 2023. Đối với các dự án đầu tư công, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

UBND tỉnh An Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nhằm đẩy nhanh giải ngân tối đa chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công được giao; ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%.

Tỉnh An Giang cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thực hiện ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh. Qua đó thúc đẩy hoạt động liên kết vùng, mở rộng thị trường, kết nối cơ hội đầu tư, SXKD. Năm 2023, ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 191.957 tỷ đồng, tăng 16,6%. Nhờ chuẩn bị tốt, toàn tỉnh đón khoảng 8,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch năm 2023, đạt 103,75% so với kế hoạch, tăng 10,67% so năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 21,28%...

Những nỗ lực, cố gắng thời điểm cuối năm 2023 sẽ tạo động lực mới cho năm 2024 – năm có ý nghĩa mấu chốt trong hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025).

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN