An Giang chủ động phòng, chống bệnh dại

20/03/2024 - 06:20

 - Bệnh dại trên người tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, Bộ Y tế có công văn chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.

Theo Bộ Y tế, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so cùng kỳ năm 2023). Riêng miền Nam có 5 ca tử vong: Bến Tre (1), Long An (3), Cà Mau (1). Khu vực ĐBSCL, bệnh dại trên động vật xảy ra 8 ổ dịch ở 5 tỉnh. Đặc biệt, An Giang đã xảy ra 2 ổ dịch tại xã Ô Long Vĩ và Bình Phú (huyện Châu Phú) vào tuần đầu tháng 3/2024 (2 con chó lên cơn dại đã cắn 6 người bị thương); kết quả xét nghiệm, cả 2 con chó này đều dương tính với virus dại.

Tăng cường quản lý

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh, từ năm 2023 đến nay, sở đã tổ chức bắt chó thả rông 41 đợt ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó nuôi đến thời điểm tháng 3/2024 được 32.023 con (đạt tỷ lệ 89,11% so với tổng đàn 35.937 con).

Trong đó, thực hiện tiêm phòng dại chó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tri TônTX. Tịnh Biên với 3.360 liều. Đơn vị đã tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh dại qua sử dụng loa phóng thanh kết hợp bắt chó thả rông; treo băng-rôn tuyên truyền; phối hợp Sở Y tế giám sát, chia sẻ thông tin và xử lý ổ dịch khi có trường hợp phát hiện virus dại lưu hành trên động vật.

Quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo

Thực tế cho thấy, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp. Nhiều hộ nuôi vẫn còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các quy định về tiêm vaccine phòng bệnh và quản lý đàn chó, mèo.

“Tôi rất bức xúc việc sáng, chiều có người thả chó ra công viên đi vệ sinh. Trong khi chó chưa được tiêm phòng, không đeo rọ mõm, rất nguy hiểm cho người dân nếu chẳng may bị cắn” - bà Huỳnh Thị Hoa (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bức xúc.

“Nhất là ở nông thôn, chủ nhà đi làm ăn xa, chó không ai quản lý, thả rông ngoài đường kiếm ăn nên rất hung dữ, dễ cắn người và không an toàn cho người tham gia giao thông. Ngành chức năng cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm” - ông Trần Văn Tư (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đề xuất.

Theo Sở Y tế, từ năm 2023 đến nay, An Giang chưa xảy ra ca bệnh dại. Mặc dù, năm 2023, An Giang đã có gần 35.200 người bị chó, mèo cắn và đã chủ động tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Riêng tháng 1/2024, đã có gần 3.800 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn.

 Cần tăng cường quản lý chó thả rông và  tiêm phòng cho vật nuôi

 Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiềm ẩn phức tạp, do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo chưa đạt 100%, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế...

Tăng cường phòng chống

Theo Sở Y tế, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được. Biện pháp hiệu quả nhất là tiêm đầy đủ và đúng lịch vaccine phòng bệnh dại cho cả người và chó, mèo.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết: “Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai đến Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm vaccine phòng và điều trị bệnh dại: Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vaccine và huyết thanh kháng dại; kiện toàn, mở rộng số điểm tiêm chủng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm; đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng dại. Tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị động vật cắn, để tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời”.

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết: “Trung tâm đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh; truyền thông phòng, chống bệnh dại; nhắc nhở người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi, hạn chế tiếp xúc với chó, mèo thả rông; khi bị chó, mèo cắn phải biết xử lý ngay vết thương và tiêm phòng vaccine sớm nhất”.

Biện pháp phòng bệnh

Theo ngành y tế, bệnh dại lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Biểu hiểu bệnh dại ở người: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Biểu hiện bệnh dại ở chó: Cắn, sủa dữ dội; bỏ nhà; tấn công người và chó khác; nước dãi chảy lòng thòng, không cắn, không sủa, chỉ gầm gừ trong họng… Biểu hiện bệnh dại ở mèo: Cũng tiến triển như ở chó; hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, cắn khi có người chạm vào.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà bông liên tục 15 phút; nếu không có xà bông, có thể rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

HẠNH CHÂU