An Giang chủ động ứng phó với những tác động từ thượng nguồn sông Mekong

30/12/2019 - 14:31

 - Từ năm 2010 trở lại đây, sạt lở diễn ra nhanh hơn bồi tụ và vô cùng phức tạp, tác động không hề nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở ĐBSCL là do các nước trên thượng nguồn sông Mekong gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với hạ lưu.

Việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thường nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa ở hạ lưu sông Mekong

Sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 khu vực qua xã Bình Mỹ (Châu Phú)

Tác động từ thượng nguồn sông Mekong

Ở vùng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có 2 hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và gây tác động đáng kể tới vùng hạ lưu vực sông Mekong, bao gồm cả ĐBSCL. Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa ĐBSCL của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa bùn cát về phía hạ du. Cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm của lưu vực sông Mekong và quan trọng hơn, tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.

Tại vùng hạ lưu sông Mekong, các nước: Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước và Campuchia có 2 công trình. Đến nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xayaburi, Don Sahong; Ủy hội Sông Mekong quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho 2 công trình là Pak Beng và Pak Lay.

Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mekong và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Bắt đầu từ tham vấn Dự án thủy điện Pak Beng và Pak Lay, việc đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng… đã được các quốc gia chú trọng và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện.

Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Nằm ở khu vực hạ lưu sông Mekong, ĐBSCL là nơi hứng chịu những hệ lụy gây ra bởi hoạt động của các đập thủy điện phía thượng nguồn. Bản chất ĐBSCL được hình thành do phù sa sông Mekong. Vùng đất này sẽ bị sụt lún khi không còn phù sa. Bài toán biến đổi khí hậu sẽ xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn khi các đập thủy điện lần lượt chặn dòng chính sông Mekong.

Trong một báo cáo của Ủy ban Sông Mekong, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8km. Và với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu từ 10-18km. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là lượng cát thô nằm trong phù sa sẽ không còn về ĐBSCL nữa…

An Giang chủ động ứng phó

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp nhưng An Giang cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Kết quả quan trắc đợt I-2019 của Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh An Giang cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 52 đoạn sông nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 169.330m (tăng 7.680m so kỳ quan trắc trước). Ngoài 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm kể trên, còn có 41 đoạn mức độ nguy hiểm và 5 đoạn mức độ trung bình. Thực tế cho thấy, gần 30 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung ở những đoạn cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Sạt lở gây ảnh hưởng đến hàng trăm căn nhà, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cùng với những yếu tố khách quan, như: thiếu hụt phù sa, bùn, cát (do một số quốc gia vùng thượng nguồn sông Mekong đắp đập ngăn dòng để khai thác thủy điện), tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường… còn có những nguyên nhân chủ quan khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong đó có lý do khai thác cát bất hợp lý, tình trạng bố trí dân cư, chợ, xây dựng công trình, nhà ở cặp bờ sông, kênh, rạch. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý: “Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc cấm cất nhà ven sông, xây dựng nhà trên bờ kênh, rạch. Khi quy hoạch khu dân cư, chợ, các công trình, phải bố trí vào sâu trong đất liền. Thường xuyên phát động phong trào trồng cây xanh và vận động người dân trồng cây xanh bảo vệ bờ”.

An Giang là tỉnh có lợi thế nông nghiệp lớn, có dòng sông Tiền, sông Hậu chảy qua. Tuy nhiên, tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở đất bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang.

Cùng với phát huy nội lực, An Giang thực hiện có hiệu quả những chương trình, dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Đối với dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với tổng mức đầu tư 14,5 triệu USD (tương ứng 333,4 tỷ đồng, trong đó vốn WB 207 tỷ đồng), An Giang đã triển khai tích cực, góp phần giúp tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa, gạo. Tỉnh đang triển khai tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (An Phú), thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL. Dự án giúp nâng cao khả năng thích ứng và quản lý vùng lũ, vùng thượng nguồn sông Cửu Long, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư vùng lũ, phù hợp với yêu cầu thoát lũ, trữ lũ của vùng đầu nguồn…

Nguồn nước suy giảm trên sông Mekong, đồng thời chịu tác động của biến đổi khí hậu, thủy điện trên Mekong còn mở đường cho xâm nhập mặn lấn sâu vào ĐBSCL trong mùa khô. Ngoài ra, phù sa bị giữ lại phía thượng nguồn sẽ dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

LÊ HOÀNG