An Giang chuẩn bị các công trình ứng phó khô hạn

19/07/2023 - 06:32

 - Với tác động của El Nino, dự báo từ nửa cuối năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024, nhiều khu vực sẽ đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng. An Giang đang chủ động các giải pháp công trình, nhằm ứng phó trường hợp nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tăng, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Chủ động nguồn nước sinh hoạt

Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trên địa bàn tỉnh có những khu vực chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt hoặc hộ dân đang sử dụng nước mưa, giếng, kênh, rạch với số lượng nhỏ lẻ, không tập trung, nằm rải rác ở các huyện: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc.

Do có khả năng thiếu nước sinh hoạt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Công ty Cổ phần Điện nước An Giang xây dựng kế hoạch nâng công suất, mở rộng các tuyến ống đấu nối, điều tiết nước từ các trạm cấp nước lân cận cấp tiếp cho các trạm cấp nước có nguồn nước bị ảnh hưởng.

Đến nay, tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai 69 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ hộ dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước ở các xã giáp tỉnh Kiên Giang, các xã vùng cao, vùng sâu.

Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện 26 danh mục công trình cải tạo, mở rộng các tuyến ống cấp nước trên địa bàn 22 xã của các huyện: An Phú (Khánh Bình, Phước Hưng), Châu Phú (Bình Phú, Bình Thủy, Đào Hữu Cảnh), Châu Thành (Vĩnh Bình, Vĩnh Lợi), Chợ Mới (Hòa Bình, Long Giang, An Thạnh Trung, Hội An, Hòa An, Tấn Mỹ, Kiến Thành), Thoại Sơn (Vĩnh Phú, Vĩnh Khánh, Vọng Thê, Bình Thành, An Bình) và TX. Tịnh Biên (Tân Lập, Văn Giáo). Tổng chiều dài tuyến ống hơn 164,8km, tổng mức đầu tư hơn 65,4 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, có kế hoạch triển khai thực hiện 43 danh mục công trình cải tạo, mở rộng tuyến ống cấp nước, tổng chiều dài 277,25km, tổng mức đầu tư hơn 46,5 tỷ đồng, tập trung ở các huyện: Phú Tân (Phú Thành, Hòa Lạc, Bình Thạnh Đông, Phú An), Thoại Sơn (Núi Sập, Phú Hòa, Óc Eo, Bình Thành, Vĩnh Phú, Định Thành, Phú Nhuận, Vĩnh Khánh, Vọng Đông, Tây Phú), An Phú (thị trấn An Phú, các xã Khánh An, Đa Phước, Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Quốc Thái, Khánh Bình), Tri Tôn (thị trấn Tri Tôn, Cô Tô, Ba Chúc, các xã Lương An Trà, Tà Đảnh, Ô Lâm, Vĩnh Gia, Lạc Quới, Châu Lăng), TX. Tịnh Biên (Chi Lăng, An Cư, núi Cấm, Nhà Bàng, An Phú, Xuân Tô, Nhơn Hưng), TP. Châu Đốc (Vĩnh Châu, Núi Sam, Vĩnh Tế).

Phục vụ sản xuất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đối với cấp nước chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ngành chuyên môn sẽ tập trung nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát nước, khoanh vùng khả năng thiếu nước, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động chăn nuôi. Đồng thời, nâng cấp hệ thống cống điều tiết nước và có chế độ điều tiết nước chủ động ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tăng cường trang thiết bị đảm bảo cấp nguồn ô-xy cho môi trường nước nuôi thủy sản.

Đối với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh và các địa phương triển khai nạo vét công trình kênh, mương từ nguồn vốn thủy lợi phí, vốn hỗ trợ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP trong thực hiện kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm. Trong trường hợp có hạn hán, thiếu nước gay gắt kéo dài, cần nạo vét thêm khoảng 191 công trình kênh, mương có nguy cơ cạn kiệt cao, ước kinh phí thực hiện gần 107,5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang phụ trách 14 công trình, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang 1, huyện An Phú 9, huyện Phú Tân 9, huyện Châu Thành 15, huyện Thoại Sơn 26, huyện Tri Tôn 40, huyện Chợ Mới 16, huyện Châu Phú 40, TX. Tân Châu 3, TP. Châu Đốc 15, TP. Long Xuyên 3 công trình.

Tỉnh sẵn sàng lắp đặt các trạm bơm chống hạn (cứu lúa) cho 1.485ha lúa vùng cao huyện Tri Tôn (xã Ô Lâm), TX. Tịnh Biên (xã An Nông, An Hảo) của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, khi ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, ước kinh phí gần 1,03 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức bơm cấp 2 bảo vệ 2.849ha lúa vùng đồng bằng khi xảy ra thiếu nước cục bộ, gồm: TP. Châu Đốc (xã Vĩnh Châu), các huyện An Phú (Vĩnh Hậu), Phú Tân (Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Phú Hiệp, Phú Lâm, Phú Thọ, Tân Hòa, Phú Thạnh, Chợ Vàm), ước kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.

Các ngành tỉnh có kế hoạch duy tu, sửa chữa 50 công trình cống để trữ nước phục vụ tưới tiêu trong điều kiện khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng sản xuất, chăn nuôi của người dân TP. Châu Đốc và các huyện: An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, ước kinh phí gần 42,4 tỷ đồng.

“Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước gay gắt trong thời gian nắng nóng kéo dài, dẫn đến thiếu nước, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp, nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng. Tỉnh tiến hành ngăn 15 đập tạm để trữ nước, không để thiếu nước dẫn đến bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài; ước kinh phí gần 5,63 tỷ đồng” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Trường hợp hạn hán, thiếu nước trong tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng, cần phải tăng cường bơm tưới nhiều hơn cho khoảng 120.000ha đất sản xuất (dự kiến 1/2 diện tích lúa, màu đã xuống giống), tương đương mức nhiên liệu tăng 1,2 triệu lít dầu (mức điện năng và nhiên liệu tăng thêm tương đương 10 lít dầu/ha), ước tổng kinh phí 24 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN