An Giang chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

26/01/2023 - 07:37

 - Những lần đột phá trong nông nghiệp giúp An Giang có nhiều kinh nghiệm thay đổi mô hình phát triển. Nông nghiệp giờ đây là liên kết, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư nâng cao chuỗi giá trị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình...

Những lần đột phá

An Giang là một trong những địa phương có lợi thế sản xuất nông nghiệp tốt nhất vùng ĐBSCL. Cùng với sự ưu đãi nguồn nước ngọt quanh năm của sông Tiền, sông Hậu, ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, An Giang còn có 297.000ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên), nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất, say mê học hỏi và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Vậy mà, An Giang có lúc đói ăn, đất đai hoang hóa (giai đoạn 1975-1985), buộc các thế hệ lãnh đạo tỉnh phải luôn trăn trở, tìm ra những hướng đi mới, những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Tỉnh “xé rào” đi trước Trung ương trong chủ trương giao đất, trả lại máy móc, nông cụ cho hộ nông dân trực tiếp canh tác; khuyến khích khai hoang; đầu tư hệ thống thủy lợi; cấp tín dụng ngắn hạn cho nông dân…

An Giang là tỉnh thành lập Chương trình phát triển nông thôn sớm nhất cả nước. Những đột phá về cơ chế, thủy lợi, thâm canh, tăng vụ đã đưa sản lượng lúa của An Giang lần đầu đạt 1 triệu tấn vào năm 1989. Đến năm 2000, sản lượng lúa đạt gần 2,38 triệu tấn.

Các công trình trọng điểm, như: Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao (huyện Phú Tân và TX. Tân Châu) với nguồn tài trợ của Chính phủ Úc, Dự án Nam Vàm Nao (huyện Chợ Mới), kè Tân Châu, kè Long Xuyên, các hồ thủy lợi vùng núi (Ô Tức Sa, Thủy Liêm, Thanh Long, Soài So, Soài Chek, Ô Thum, Ô Tà Sóc…), Đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện… phát huy tác dụng. Những năm gần đây, sản lượng lúa của An Giang trên 4 triệu tấn, đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm an ninh lương thực của quốc gia.

Xây dựng chuỗi giá trị

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, sản xuất hàng hóa có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Đối với ngành hàng lúa gạo, công tác xã hội hóa giống lúa (nhân giống lúa cộng đồng) được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 160 tổ nhân giống, khoảng 30 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh lúa giống, thu hút 4.500-6.000 nông dân tham gia với diện tích nhân giống 25.000-31.000ha, cung cấp từ 150.000-164.450 tấn giống mỗi năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu giống cho sản xuất tại An Giang. Đến nay, có khoảng 70% diện tích sản xuất ở An Giang sử dụng các loại giống chất lượng cao; 89,6% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”; 47% áp dụng “1 phải, 5 giảm”.

An Giang đã từng bước hình thành các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản để các DN tham gia liên kết tiêu thụ. Năm 2020, diện tích liên kết đạt 40.802ha. Năm 2021, diện tích liên kết tăng lên 87.698ha. Năm 2022, diện tích liên kết lúa đạt 150.440ha (vụ đông xuân 36.647ha, vụ hè thu 46.493ha, vụ thu đông 67.300ha). Kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp năm 2023 của các DN trong và ngoài tỉnh là 369.150ha (vụ đông xuân 137.350ha, vụ hè thu 135.540ha, vụ thu đông 96.260ha).

Bên cạnh cây lúa, diện tích liên kết tiêu thụ rau màu duy trì 4.000ha/vụ, liên kết tiêu thụ cây ăn trái 140.000 tấn, liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi duy trì 350.000 con (heo hơn 10.000 con, gà 280.000 con, vịt thịt 70.000 con). Đối với lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích liên kết năm 2023 là 2.400ha (cá tra khoảng 350.000 tấn, còn lại là lươn, cá lóc, ếch).

Điểm mới trong mô hình liên kết của An Giang là thực hiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ gắn với hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX để phụ trách hoạt động kinh doanh, cử đội ngũ “ba cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp Hội đồng Quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại, khoa học.

Nhờ đó, giá thành sản xuất của nhiều HTX giảm bình quân 20% so với cách canh tác truyền thống. UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết chương trình hợp tác phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, trong đó giai đoạn 2020-2025, sẽ phát triển 200 HTX kiểu mới.

Để cụ thể hóa quyết tâm này, ngày 14/11/2022, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, phối hợp phát triển mới HTX nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, các bên phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích liên kết chiếm trên 50% diện tích sản xuất lúa của An Giang; liên kết tiêu thụ 600ha rau màu, 1.560ha cây ăn trái. Các bên phối hợp triển khai cấp mã số vùng trồng trên cây lúa trong vùng nguyên liệu liên kết; thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu gạo An Giang.

Thu hút đầu tư

Đối với ngành hàng cá tra, diện tích các vùng nuôi do DN đầu tư và có liên kết với DN chiếm trên 90%. Trong đó, nhiều DN lớn đã đầu tư vào các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, như: Việt Úc, Vĩnh Hoàn, HACA (Cần Thơ - Hà Nội), Nam Việt, Lộc Kim Chi… Tỉnh đã mời gọi được 4 DN tham gia đầu tư các vùng ương nuôi tập trung, như: Việt Úc 104ha, Nam Việt Bình Phú (thuộc Tập đoàn Nam Việt) 250ha, Vĩnh Hoàn 48,3ha, Lộc Kim Chi 86ha.

Đối với ngành hàng rau màu, thêm nhiều DN thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ tại An Giang, như: DHFarm, Antesco, Tứ Sơn, Phan Nam, Sài Gòn Farm, Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam... Còn trong thế mạnh lúa gạo, Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long, các công ty: Angimex, Tấn Vương, Angimex - Kitoku, Gentraco... đẩy mạnh liên kết thông qua HTX, đầu tư vốn, nhân lực vào HTX để xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Đối với trái cây, các công ty: Chánh Thu, Hoàng Phan, Kim Nhung, Cát Tường... đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất xoài; các công ty: Vĩnh Phát, Chuối Việt, Xanh Việt… đầu tư vào trang trại chuối quy mô lớn. Còn với chăn nuôi, Tập đoàn TH đang đầu tư quy mô lớn vào trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa hiện đại; Tập đoàn THACO đầu tư công nghệ cao vào những trang trại heo giống, heo thịt; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đẩy mạnh liên kết nuôi gia công heo, gà, vịt với các trang trại quy mô lớn trên địa bàn An Giang theo chu trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...

Theo quy hoạch của Chính phủ, tỉnh An Giang được định hướng phát triển trở thành trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt ĐBSCL. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao có liên kết với DN; ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao; xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang; tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn: SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Đối với ngành hàng cá tra, An Giang phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600ha đến năm 2025; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; hoàn thiện việc cấp mã số vùng nuôi cho diện tích nuôi cá tra đạt 90% trên tổng diện tích. Đồng thời, tiến tới xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL...

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, An Giang đã sáng tạo thành lập tổ phản ứng nhanh nông nghiệp, giúp kết nối tiêu thụ nông sản, đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 2,22% (năm 2020 tăng trưởng 1,97%). Năm 2022, những nỗ lực phục hồi của ngành nông nghiệp hậu COVID-19 đã kéo tốc độ tăng trưởng đạt 3,16%, kết quả tốt nhất trong 10 năm qua. Năm 2023, ngành nông nghiệp An Giang nỗ lực tăng tốc để đạt mức tăng trưởng từ 3,2-3,5%.

NGÔ CHUẨN