An Giang đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

08/04/2021 - 02:41

 - Thời gian qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, Mobile banking, Internet banking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay.

Các tổ chức tín dụng rất tích cực, nghiêm túc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

 

Theo Sở Công thương, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.

ViettelPay là sản phẩm của Tập đoàn Viettel, không giới hạn đối tượng hiện đang dùng mạng điện thoại nào. ViettelPay có thể dùng trên tất cả các dòng điện thoại (Smartphone, Featurephone). Đây là ứng dụng ngân hàng số giúp khách hàng thực hiện các nhu cầu tài chính điện tử cá nhân, như: chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, tiết kiệm, trả góp, vay, mua bảo hiểm... Đồng thời giúp các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện chi lương cho người lao động, tất cả đều miễn phí.

Tại An Giang có hơn 200.000 khách hàng tiếp cận, trong đó có hơn 45.000 khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ: thanh toán tiền điện, tiền cước viễn thông, chuyển tiền, trả góp… Hơn 180 trường học các cấp, 17 UBND cấp xã, 15 DN thực hiện chi lương qua ViettelPay, với khoản 7.500 tài khoản chi lương. Hơn 200 quán ăn, cà-phê, nhà hàng, khách sạn… chấp nhận hình thức thanh toán qua mã QRCode ViettelPay cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Để đáp ứng nhu cầu, Viettel đầu tư gần 1.000 điểm hỗ trợ giao dịch rút/nạp tiền tại địa bàn cấp 4. Đây là lợi thế của Viettel, hạ tầng này gấp gần 100 lần tổng các điểm giao dịch của tất cả các ngân hàng trên địa bàn cộng lại; cùng hơn 300 nhân viên tại địa bàn cấp 4 sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ khách hàng tại nhà.

Nhằm cụ thể hóa thực hiện các nội dung hợp tác chiến lược viễn thông-công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025, VNPT An Giang xác định việc cung cấp hạ tầng dịch vụ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ quan trọng. Đây là lĩnh vực VNPT Pay của VNPT đang triển khai mạnh mẽ tại An Giang thời gian qua. VNPT Pay cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và nhiều dịch vụ tài chính khác. Hệ sinh thái VNPT Pay cho phép khách hàng sử dụng các nguồn tiền: ví điện tử, tài khoản ngân hàng trong các giao dịch tài chính hàng ngày.

Hiện, VNPT Pay cung cấp các nhóm dịch vụ: ví điện tử; thu hộ, chi hộ; xây dựng... VNPT Pay đã kết nối với toàn bộ 5 tổng công ty điện lực và qua đó kết nối toàn bộ các công ty thành viên trên toàn quốc, trong đó có Công ty Điện lực An Giang. Như vậy, khách hàng ở mọi địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể thanh toán tiền điện qua VNPT Pay ngay trên ứng dụng VNPT Pay hoặc trên Website Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại An Giang, VNPT Pay đã kết nối với Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, người dân An Giang có thể thanh toán đầy đủ cả hóa đơn điện và nước hàng tháng qua VNPT Pay; liên kết với hơn 200 trường học, thúc đẩy thanh toán học phí không dùng tiền mặt; kết nối để thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu; kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.angiang.gov.vn để người dân dễ dàng giao dịch thanh toán cho các dịch vụ hành chính công. VNPT Pay hợp tác cùng VNPay mang tới cho khách hàng phương thức thanh toán không tiếp xúc rất an toàn, tiện lợi và nhanh chóng qua QR Code tại hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, bao gồm đầy đủ các lĩnh vực: dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Võ Hồng Nho, thời gian qua, các tổ chức tín dụng rất tích cực, nghiêm túc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như: thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ, Internet banking, ví điện tử... Chủ động liên hệ các đơn vị có cung ứng các dịch vụ công nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của đơn vị mình cung ứng để hợp tác, ký kết các thỏa thuận phối hợp thanh toán thu các hóa đơn định kỳ, như: tiền điện, tiền nước, điện thoại, học phí; liên kết với các điểm thu nộp thuế, hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Các tổ chức tín dụng luôn đảm bảo sự thông suốt, an toàn, chính xác trong việc trao đổi dữ liệu thông tin.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người đã lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến (online). Người dân đã dần tiếp cận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, nhận thức của người dân và DN về việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh đó, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn khá lớn; phí thu chi bằng tiền mặt thấp so với phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng nên việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng vẫn còn khó khăn nhất định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, năm 2020 kết quả thực hiện thanh toán điện tử liên ngân hàng tổng doanh số phát sinh chuyển tiền đi 90.016 tỷ đồng, chuyển tiền đến 59.843 tỷ đồng. Thanh toán qua Internet banking chuyển tiền đi 10.246 tỷ đồng với 774.529 món và chuyển tiền đến 3.346 tỷ đồng với 260.911 món. Thanh toán qua ví điện tử doanh số chuyển tiền đi 47 tỷ đồng và chuyển tiền đến 76 tỷ đồng. Thanh toán qua SWIF, thanh toán qua tổ chức tín dụng khác với doanh số chuyển tiền đi 1.714 tỷ đồng và chuyển tiền đến 4.666 tỷ đồng.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Đồng thời, tất cả người dân và DN sẽ được thụ hưởng, điều này có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế - xã hội trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp tăng thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những biến cố khó lường của xã hội.

HẠNH CHÂU