An Giang đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

04/05/2023 - 05:48

 - Giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, An Giang đã lựa chọn 58 công trình giao thông trọng điểm liên tỉnh, liên vùng và nội tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, tổng vốn đầu tư công bố trí cho giai đoạn này là 3.694,7 tỷ đồng. “Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Công trình cầu Châu Đốc đang thi công vượt tiến độ

An Giang còn tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư 9 công trình giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh và nội tỉnh với tổng vốn đầu tư 5.511,4 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông cấp vùng và khu vực.

Đến đầu năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, An Giang được Trung ương phân bổ 8.908 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giao thông. Trong đó, đã bố trí 8.485 tỷ đồng thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua địa phận An Giang). Như vậy, tổng nguồn vốn bố trí đầu tư các công trình hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 17.691 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng vốn đầu tư công giai đoạn này.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, chưa bao giờ tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như trong giai đoạn hiện nay. Đây là nền tảng, điều kiện không thể thiếu và là động lực to lớn để kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển và bứt phá trong thời gian tới.

Điều này là cơ sở để tỉnh đặt các chỉ tiêu phát triển KTXH trong năm 2023 cao hơn so với năm 2022. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Công trình dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đang thi công

Đối với Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, đến nay, khối lượng thi công dự án được hơn 53%, chậm 2,52% so với kế hoạch. Trong 3 gói thầu xây lắp vẫn còn 2 gói thầu tiếp tục chậm tiến độ. Kiểm tra thực tế tình hình thi công dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm tỏ ra không hài lòng khi một số gói thầu dự án vẫn còn chậm tiến độ, nhất là gói CW4C.

Ông Lâm cho rằng, công trình đã nhiều lần được kiểm tra, đốc thúc, chỉ đạo, địa phương hết sức ủng hộ, mặt bằng được bàn giao đến 90% vào thời điểm thi công. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu, tư vấn giám sát tăng cường, đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục công việc theo đúng hợp đồng. Chủ đầu tư cùng các đơn vị xây dựng lại tiến độ, đảm bảo ngày 30/6 phải thông toàn tuyến. Đến ngày 20/8/2023 (kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng), phải lưu thông được trên cấp phối đá dăm một số đoạn.

Đối với Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa phận An Giang), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang làm Trưởng ban, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua làm thành viên để lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1 (Km0+000 đến Km57+200) từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), chiều dài 57,2km, tổng mức đầu tư được duyệt 13.526 tỷ đồng, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Ngay sau khi tiếp nhận dự án, cả hệ thống chính trị An Giang đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án với quyết tâm cao nhất. Đến nay, những công việc liên quan của dự án thuộc trách nhiệm của tỉnh đã được tổ chức triển khai thực hiện kịp thời. Tiến độ đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ theo mốc thời gian Trung ương yêu cầu.

Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tỉnh An Giang đã họp phiên họp thứ 3. Qua đó, đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo 2 mốc thời gian quan trọng là khởi công trước ngày 30/6/2023, hoàn thành dự án vào khoảng tháng 6/2026.

UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chi tiết và thời gian thực hiện Dự án thành phần 1. Theo đó, từng công việc, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành được cụ thể hóa để làm cơ sở cho các đơn vị của tỉnh tổ chức thực hiện trên tinh thần khẩn trương, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công việc theo đúng kế hoạch.

Tỉnh đã lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng; tổ chức cắm và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến. Các mỏ khai thác cát trên địa bàn tỉnh đảm bảo trữ lượng phục vụ cho nhu cầu sử dụng của Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh đang quyết liệt hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng để khởi công xây dựng công trình tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30/6/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Văn Du cho biết, đối với công trình cầu Châu Đốc, thời gian thực hiện hợp đồng 33 tháng. Công trình đã khởi công ngày 9/3/2022, phấn đấu đến ngày 9/12/2024 hoàn thành. Tiến độ thực hiện đến nay đạt 53,6% tổng thời gian thực hiện hợp đồng, đang vượt tiến độ đề ra.

HẠNH CHÂU