An Giang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

27/09/2023 - 05:27

 - Xác định giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài, Đảng bộ tỉnh An Giang đã vượt qua khó khăn, tập trung lãnh, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nhiều nỗ lực

Ngày 13/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang ban hành Chương trình hành động 07-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nêu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Tỉnh ủy chỉ đạo các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai đến các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện phù hợp thực tế.

Tỉnh dần hoàn thiện mạng lưới trường lớp phù hợp điều kiện địa phương và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trong trường học luôn được chú trọng. Đổi mới đồng bộ theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Việc tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, đảm bảo năng lực sử dụng của người học. Công tác dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số, dạy tiếng Việt và văn hóa dân tộc có những bước tiến quan trọng. Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Điển hình là kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm được tổ chức khá tốt; kết quả thi và trúng tuyển đại học, cao đẳng của tỉnh qua từng năm có chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kết luận buổi làm việc với Tỉnh ủy An Giang

Tỉnh đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT…

Vẫn còn khó khăn

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, cơ sở vật chất của ngành dù đã được bổ sung nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là ngành học mầm non còn thiếu cơ sở để mở thêm lớp; phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp (50,86%) và tốc độ tăng khá chậm. Thiếu kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi, khu vực đô thị…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm công tác GD&ĐT. Là tỉnh có dân số đông, quy mô trường lớp khá lớn (718 trường), hơn 400.000 học sinh, nên dù địa phương đã rất cố gắng nhưng việc đầu tư cho GD&ĐT còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Tỉnh An Giang rất mong lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, An Giang xác định đầu tư cho GD&ĐT, nâng cao dân trí là đầu tư phát triển. Tỉnh triển khai tốt công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và nhiều mô hình xã hội hóa giáo dục. Tất cả 718 trường trong tỉnh đều được đầu tư kiên cố, nhưng nhiều trường khó đạt chuẩn quốc gia do thiếu diện tích. Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh không thể đảm đương, An Giang kiến nghị Trung ương cần có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng trường tư thục và đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT…

Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có cho các địa phương thực hiện để đảm bảo giảng dạy hiệu quả các môn học theo chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là các môn tích hợp, các môn mới.

Tập trung tháo gỡ

Ngày 25/9/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đến khảo sát tại An Giang về kết quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN.

Qua khảo sát thực tế một số trường học và tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT trình Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương chưa đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế chung đến hết năm 2025, khi ngành GD&ĐT hoàn thành việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trung ương hỗ trợ kinh phí để bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025…

Khảo sát các phòng chức năng của Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, An Giang có vị trí rất quan trọng ở khu vực ĐBSCL, quy mô trường lớp, số học sinh rất lớn. Mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh rất cố gắng, thể hiện qua chất lượng GD&ĐT trong nhiều năm luôn ở nhóm dẫn đầu.

"Đạt kết quả này là nhờ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm sự nghiệp GD&ĐT. An Giang đã triển khai tốt Nghị quyết 29-NQ/TW, tạo ra những đổi mới tích cực, nâng cao chất lượng GD&ĐT, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Nghị quyết 29-NQ/TW rất bao quát và công việc đổi mới còn rất nhiều việc cần làm. Bộ trưởng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến GD&ĐT, gồm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, dạy chữ và dạy người. Mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm đổi mới giáo dục và có thêm những nghị quyết chuyên đề nhằm nâng chất,  thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục địa phương…

HỮU HUYNH