An Giang: Hành động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

23/11/2020 - 06:36

 - Để thực hiện đạt mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thống nhất đề ra 3 khâu đột phá với 16 chỉ tiêu chủ yếu, bao quát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Cần hành động để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Một trong những nội dung cần hành động ngay là đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu tăng cường tuyền truyền, nâng cao nhận thức nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao hơn.

Đồng thời, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã, hình thành các vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là 3 nhóm sản phẩm như: gạo - nếp, thủy sản và cây ăn trái, gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Các sở, ngành chuyên môn tăng cường năng lực dự báo, xúc tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, xây dựng chiến lược thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực.

Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản để phù hợp nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và từng bước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế cửa khẩu.

Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh như: dịch vụ du lịch, dịch vụ tín dụng, dịch vụ y tế, phát triển đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ phân phối, hài hòa giữa thị trường thành thị và nông thôn, giữa thương mại truyền thống và hiện đại; phát triển thương mại điện tử và có lộ trình phát triển kinh tế số. An Giang sẽ phát triển các trung tâm, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics.

Song song đó, đẩy mạnh giao thương với các nước trong khu vực thông qua việc tập trung đầu tư các cửa khẩu và khu kinh tế để kết nối các tỉnh ĐBSCL với các nước ASEAN thông qua Campuchia, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2020-2025) đạt gần 5,3 tỷ USD.

Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong nước và quốc tế để phát triển du lịch mà trọng tâm là du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, hình thành tuyến du lịch đường thủy, đường bộ. Đồng thời, nâng tầm các hoạt động lễ hội, đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khuyến khích những loại hình văn hóa ẩm thực, giải trí về đêm… để thu hút, giữ chân du khách.

Đảm bảo hài hòa

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, An Giang cũng quan tâm phát triển hài hòa về văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung đầu tư mạng lưới trường lớp theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 55%.

Cùng với đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thị trường lao động trong nước và xuất khẩu, đặc biệt phát huy tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học An Giang; nâng chất Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế; tạo điều kiện thuận lợi xây dựng phân hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại An Giang.

Trong lĩnh vực y tế, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 11 bác sĩ/1 vạn dân, 28 giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. An Giang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tại các cơ sở y tế công lập, thu hút hiệu quả nguồn nhân lực y tế…

Cùng với tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, An Giang sẽ ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa, thông tin, tuyên truyền và thể dục - thể thao.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1-1,2%/năm.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề gắn với phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao và ổn định cho người lao động; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn An Giang, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 lên 73%. Tỉnh còn tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm lo người có công với cách mạng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực nhà nước, đảm bảo người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên.

Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp, xây dựng chính quyền An Giang thân thiện, năng động, trách nhiệm với nhân dân. Toàn tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính của nhà nước giai đoạn 2021-2025, tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với duy trì, nâng chất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số (đến năm 2025, tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%).

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ các cấp quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Để tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, cán bộ, tỉnh tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình thí điểm về sáp nhập tổ chức, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là ở cấp xã, cấp huyện. Song song đó, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị…

NGÔ CHUẨN