Nhiều hoạt động hỗ trợ
Năm 2023, từ nguồn vốn Trung ương và tỉnh hơn 105,3 tỷ đồng, An Giang đã đầu tư thực hiện 15 công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) huyện nghèo; hơn 54,3 tỷ đồng thực hiện 4 công trình giao thông liên xã, kết nối vùng và duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông. Nhằm đa dạng hóa sinh kế, tỉnh thực hiện 77 mô hình giảm nghèo với kinh phí 52,7 tỷ đồng cho 1.258 hộ tham gia. Có 35 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được phê duyệt, với 493 hộ tham gia, giải ngân 12 tỷ đồng, đạt 57,84%.
Tỉnh cũng đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng khó khăn. Toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 28.319 người; trong đó tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia với 465 lớp, 7.650 học viên. Số học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm khoảng 18.067/ 22.034 người (tỷ lệ 82%). Hỗ trợ 97,5 triệu đồng cho 6 lao động ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho 31.140 lao động (làm việc trong và ngoài tỉnh); đưa 520 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đã triển khai xây dựng 493 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, với kinh phí gần 21,3 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn.
Nhiều hoạt động ý nghĩa thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết: “Riêng Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp vận động được trên 284 tỷ đồng. Qua đó, triển khai cất mới 2.065 căn nhà; sửa chữa 164 căn nhà; thăm hỏi, tặng quà cho 368.823 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất 61.652 trường hợp; trợ giúp học sinh học tập 13.566 em; hỗ trợ khám bệnh 8.238 trường hợp và các chương trình an sinh xã hội khác, với kinh phí thực hiện trên 282 tỷ đồng...”.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo... Nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động và quá trình phát triển KTXH. Đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nhất là đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần phát triển KTXH, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 của tỉnh còn 2,07%, thấp hơn bình quân của cả nước (2,93%)”.
Quyết tâm, nỗ lực
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, chủ dự án, tiểu dự án đã quyết tâm, nên kết quả giải ngân vốn các dự án trên 309,8 tỷ đồng, đạt 79,32%. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh cao hơn bình quân của cả nước nhưng thấp hơn yêu cầu đề ra là trên 90%. Nhưng đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, chủ đầu tư với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
“Hầu hết các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương đều có tỷ lệ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cao hơn năm 2022. UBND tỉnh đặc biệt biểu dương 3 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 90%, gồm: Trường Trung cấp Nghề dân tộc Nội trú tỉnh (95,31%); UBND huyện Tri Tôn (91,77%); UBND TX. Tịnh Biên (91,51%).
UBND tỉnh An Giang cũng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và biểu dương 7 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh, nhưng đạt tỷ lệ dưới 90%. Đồng thời, yêu cầu 11 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh phải rà soát, tổ chức rút kinh nghiệm để có các giải pháp thực hiện tốt hơn trong năm 2024”- ông Lê Văn Phước đề nghị.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Năm 2024, với quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các sở, ngành và địa phương, các chủ dự án, tiểu dự án cần rút kinh nghiệm trong thực hiện giải ngân kế hoạch vốn thực hiện chương trình năm 2023. Từng ngành, từng cấp phải bám sát vào các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhất là các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, hướng dẫn các quy định, việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục phải được hoàn thành sớm, nhanh để làm cơ sở triển khai thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành, giải ngân kế hoạch vốn.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ để kịp thời giúp cơ quan chủ quản chương trình, chủ các dự án, tiểu dự án và các địa phương xử lý nhanh trong quá trình thực hiện chương trình kịp thời, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đảm bảo mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hết sức có ý nghĩa, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thúc đẩy tiến độ giải ngân và thực hiện chương trình đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật”.
HẠNH CHÂU