Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại tạo nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho hoạt động thương mại - dịch vụ của tỉnh, nhất là việc hỗ trợ DN An Giang phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), phát triển thương mại gắn với kinh tế biên giới, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, tạo mối liên kết với các địa phương, DN, đối tác trong, ngoài nước. Hỗ trợ hiệu quả các DN quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử, mang lại lợi ích thiết thực cho DN”.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp các ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại đạt kết quả tích cực, như: Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023 tại TX. Tịnh Biên; sự kiện sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản tỉnh An Giang đồng hành cùng người tiêu dùng lần thứ II/2023 tại TP. Long Xuyên; Ngày hội sản phẩm đặc trưng - nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 tại TP. Châu Đốc. Các sự kiện có tổng quy mô 677 gian hàng của hơn 343 DN trong, ngoài nước tham gia, thu hút trên 560.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu bán hàng đạt 44 tỷ đồng.
Tích cực hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp cận thị trường
Đơn vị còn tham gia gian hàng quảng bá sản phẩm tại 12 kỳ hội chợ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ 100 lượt DN của tỉnh tham gia kết nối, mở rộng đại lý nhằm quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng An Giang đến người tiêu dùng, khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức đoàn khảo sát, làm việc với Trung tâm OCOP của 63 tỉnh, thành phố và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới…
“Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia quảng bá, phát triển thương hiệu OCOP của tỉnh thông qua chuỗi chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng hướng đến OCOP và sản phẩm khởi nghiệp tại các địa phương: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, huyện Châu Thành… với quy mô gần 100 gian hàng của các DN. Cùng với đó, là sự tham gia tích cực của Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam trong việc kết nối đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vào hệ thống Cửa hàng rau quả an toàn của DN này, nhằm mở rộng kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng” - ông Lê Trung Hiếu thông tin thêm.
Là đơn vị tích cực trong công tác kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam đang nỗ lực đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh đến với khách hàng trong, ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (đại diện Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam) chia sẻ: “Chúng tôi rất tâm huyết với mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Do đó, công ty đã phát triển chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trong thời gian qua, nhằm góp phần đa dạng hóa kênh phân phối các sản phẩm này đến người tiêu dùng. Công ty Phan Nam mong muốn sẽ là cầu nối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn. Ngược lại, các DN cũng cần tích cực cải tiến mẫu mã sản phẩm để thu hút khách hàng hơn”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cũng đề xuất ngành chuyên môn và địa phương cần hỗ trợ đưa hệ thống Cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam vào danh mục các điểm dừng chân của công ty du lịch lữ hành, như một trong những biện pháp kích cầu cho sản phẩm OCOP của tỉnh.
Năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang kết nối giao thương với đối tác, khách hàng quốc tế thông qua việc tổ chức đoàn khảo sát thị trường, quảng bá, hỗ trợ kết nối, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tham gia các diễn đàn DN, diễn đàn xuất khẩu do bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xúc tiến tổ chức để hỗ trợ DN An Giang kết nối với đối tác trong, ngoài nước…
“Chúng tôi sẽ duy trì tổ chức và nâng chất các hội chợ thường niên, như: Ngày hội mắm Châu Đốc - Đặc sản các vùng miền; sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng An Giang; Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên; các phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP gắn với sự kiện văn hóa của địa phương tại huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Chợ Mới… theo tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng, hỗ trợ hiệu quả các DN đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng nội địa” - ông Lê Trung Hiếu cho hay.
Cùng với đó, sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP, đơn vị đạt nhãn hiệu chứng nhận An Giang, các DN, hợp tác xã của tỉnh tham gia hội chợ tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng thương mại điện tử, tư vấn cho DN, hợp tác xã, hộ SXKD về kỹ năng bán hàng, thiết kế bao bì, mẫu mã, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu…
“Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào công tác xúc tiến thương mại của tỉnh, thông qua nhiều biện pháp, cách thức phù hợp. Tuy nhiên, để hỗ trợ hiệu quả cộng đồng DN, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh đến với các thị trường tiềm năng, cần có sự đồng hành, tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương để những sản phẩm “sinh ra từ làng” của An Giang tiếp cận, chinh phục được các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước” - ông Lê Trung Hiếu đề xuất.
THANH TIẾN