An Giang hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống

16/06/2023 - 07:02

 - Nhờ hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị… các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và làng nghề truyền thống có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Để phát triển bền vững và khai thác tiềm năng các làng nghề, tỉnh có nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, khó khăn cũng như đẩy mạnh kết nối cung cầu, rộng mở đầu ra cho các sản phẩm.

Sản phẩm của làng nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) tham gia tại Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL năm 2023

Nhiều sản phẩm độc đáo

Trong số các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Văn Giáo (TX. Tịnh Biên) là sản phẩm đáng tự hào. Từ khi được khôi phục và công nhận làng nghề năm 2022, thổ cẩm Văn Giáo liên tục được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam và nhiều giải thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Bà Néang Chanh Ty (chủ cơ sở có quy mô trong xã) cho biết, thổ cẩm Văn Giáo có mặt ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Sự phát triển của làng nghề còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Huyện Phú Tân có 3 làng nghề truyền thống, sản xuất chủ yếu bằng thủ công. Trong đó, làng nghề bó chổi bông sậy xã Phú Bình có 350 hộ sản xuất, cung cấp ra thị trường hơn 2 triệu sản phẩm/tháng, doanh thu 7,56 tỷ đồng/năm. Nghề truyền thống rèn Phú Mỹ có 66 hộ sản xuất, với 264 lao động, sản lượng bình quân khoảng 85.000 sản phẩm/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL và miền Trung. Trong các sự kiện, như: Hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh, khu vực… các cơ sở uy tín và tiêu biểu của làng nghề đều tích cực tham gia để tiếp cận thêm nhiều khách hàng.

Nghề mộc Chợ Thủ ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) được mệnh danh "đệ nhất làng mộc" bởi có nhiều nghệ nhân với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Ông Trần Minh Đoàn (đại diện làng nghề) cho biết, năm 2006, làng nghề được tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống với hơn 1.000 cơ sở và khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này, nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới, với hơn 1.700 hộ, gần 3.000 lao động, gồm: Mỹ Luông, Long Điền A, Long Giang, Long Điền B. Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ là độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống.

Năm 2022, các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt tổng doanh thu 810 tỷ đồng (so năm 2021 là 690 tỷ đồng). Trong đó, gồm: 6 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 2.801 hộ sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho 9.110 lao động, mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận đạt “tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”.

Trong đó có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 12.200 lao động. Gắn bó với các làng nghề, hơn 10.200 lao động có việc làm thường xuyên. Năm qua, doanh thu của các làng nghề đạt 168 tỷ đồng, hoạt động sản xuất quanh năm, chỉ số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện nay, một số cơ sở sản xuất đường thốt nốt, rèn, bánh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm. Các cơ sở quan tâm hơn trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, như: Tơ lụa Tân Châu, tinh dầu chúc Yến Hương, đan đát Long Giang, chổi cọng dừa Vĩnh Chánh…

Dù có những kết quả nhất định, nhưng ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ. Đa phần cơ sở còn sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh. Các ngành nghề chưa chú trọng thương hiệu, việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế nên khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất…

Hiện nay, có 21 làng nghề, làng nghề truyền thống chưa đảm bảo quy mô số hộ tham gia hoạt động ngành nghề trên địa bàn so tiêu chí công nhận làng nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Ngày 5/6/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Trần Anh Thư cho biết, bên cạnh mục tiêu duy trì sản xuất - kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, kế hoạch còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 3 năm, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cho các ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh và các vản bản chính sách có liên quan.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh sẽ khôi phục, phát triển, công nhận ít nhất 1 làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Đồng thời, tập trung giải pháp thực hiện tốt các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, lĩnh vực… Các cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm đối với ngành nghề nông thôn, làng nghề phù hợp với thị trường tiêu thụ gắn với phát triển sản phẩm du lịch…

HOÀI ANH