An Giang hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng trong đại dịch

12/10/2021 - 05:49

 - Thực hiện tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, những trẻ em bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19 cũng vậy. Không thiếu những tấm lòng trong xã hội, từ chính quyền, đoàn thể đến các tổ chức xã hội đều chung tay có những hành động thiết thực để giúp đỡ các em vượt qua thiệt thòi, nỗi đau trước mắt.

Hỗ trợ trẻ em bị mất cha mẹ do dịch bệnh COVID-19

Tại xã Phú Lâm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), một trong những ổ dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cá biệt có 2 em nhỏ đang sống với bà nội trong khi ba mẹ đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Bà nội bị nhiễm COVID-19 và đang được điều trị. Vì 2 em còn quá nhỏ (chị 10 tuổi và em 3 tuổi), địa phương đã liên lạc hỗ trợ cho người mẹ được trở về cách ly tại nhà để thuận tiện chăm sóc con. Các tổ chức đoàn thể huyện và xã đã đến trao hỗ trợ gạo, mì, sữa và 3,1 triệu đồng giúp gia đình yên tâm trong thời gian cách ly.

Không chỉ những trường hợp đặc biệt như kể trên, ở các nơi trong khu vực phong tỏa, các địa bàn ảnh hưởng dịch bệnh, chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm luôn quan tâm chu đáo cho trẻ em. Đó là các túi an sinh kèm theo bánh, sữa, cháo để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ cũng như lương thực cho các gia đình có điều kiện chăm sóc con em trong thời gian chống dịch.

Vào năm học, trong những cuộc họp hay thông báo của nhà trường, điều khiến giáo viên nặng lòng nhất là biết tin về các em học sinh bị mất người thân do COVID-19. Đơn cử tại Trường Tiểu học “C” Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), sau khi nắm bắt thông tin 3 học sinh vừa mất cha mẹ do nhiễm bệnh, các thầy, cô đã quyên góp hỗ trợ và động viên gia đình vượt qua nỗi đau mất mát.

Trong đó, em Thiều Kim Ngọc (học sinh lớp 4C) mất cả cha và mẹ chỉ cách nhau vài tháng. Họ đều làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, gửi lại con cho ông bà nội chăm sóc. Em Gia Bảo và Hữu Tiến (bà con trong gia đình) cùng chung hoàn cảnh, khi đều mất cha mẹ do nhiễm COVID-19, hiện đang được nhà trường tiếp tục vận động hỗ trợ.

Tại huyện Thoại Sơn, 2 anh em Hà Quốc Huy (11 tuổi) và Hà Thảo Quyên (3 tuổi) sống với bà ngoại đã lớn tuổi, không còn khả năng lao động, cha mẹ đều đi làm tại TP. Hồ Chí Minh, không may qua đời do dịch bệnh COVID-19. Hoàn cảnh thương tâm đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đến thăm hỏi, chia sẻ và trao hỗ trợ quà kèm tiền mặt 10 triệu đồng.

Cùng thời điểm này, ngoài triển khai các chính sách theo quy định thì ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều tranh thủ nguồn vận động để hỗ trợ thêm cho trường hợp trẻ em mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19, trẻ em bị nhiễm bệnh COVID-19, các trường hợp là F1, kể cả các em bị ảnh hưởng gián tiếp do dịch bệnh tác động.

Dịch COVID-19 khiến nhiều em trở thành mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai. Nhiều em còn rất nhỏ, chưa thể hiểu hết chuyện gì đã xảy ra. Còn ông bà, người thân thì phải nuốt nước mắt để lo toan cho tương lai thiệt thòi của những đứa trẻ. Đa phần trẻ mồ côi do dịch COVID-19 đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thì các đơn vị, địa phương đang kêu gọi những nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ chuyện ăn học, thậm chí lo cả tương lai cho những trẻ bị thiệt thòi. Các trường học có học sinh mất cha, mẹ hoặc người thân đang nhiễm COVID-19 đã chỉ đạo giáo viên đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh trên, giúp các em ổn định tâm lý để tiếp tục học tập.

Theo Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, từ ngày 27-4 đến ngày 31-12, trẻ em (dưới 16 tuổi) sẽ được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp điều trị COVID-19 (F0) trong tối đa 45 ngày; hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tối đa 21 ngày. Ngoài ra, trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế sẽ nhận được thêm mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em.

Đến nay, Phòng LĐ-TB&XH các huyện đã tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ cho trẻ em (dưới 6 tuổi) là con của người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 344 trẻ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Đến ngày 6-10, đã chi hỗ trợ cho 131 trẻ với tổng số tiền 131 triệu đồng. Đồng thời, tổng hợp danh sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định 1013/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH là 41 trẻ. Trong số này, có 6 trẻ là con của sản phụ bị nhiễm, 2 trẻ mồ côi cha mẹ và 33 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (bị mất do COVID-19).

Còn rất nhiều trẻ em nhiều tháng qua kẹt lại giữa vùng dịch chưa kịp đăng ký vào lớp học, nhọc nhằn hòa nhập với lớp học trực tuyến từ xa, phụ huynh mất việc làm trong khi ở quê tình trạng cũng không khá hơn. Tuy bộn bề lo toan, nhưng cả xã hội vẫn dành sự quan tâm, yêu thương cho trẻ em. Ngoài chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc y tế thì việc quan trọng nữa là chăm sóc tâm lý cho các em, để các em được tiếp thêm động lực, niềm tin tiếp tục hành trình khó khăn nhưng không đơn độc này.

MỸ HẠNH