Khẩn cấp xử lý
Ngày 12/6/2023, xảy ra sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên, thuộc khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên). Qua khảo sát thực tế cho thấy, đoạn sạt lở dài khoảng 45m, ăn sâu vào mép đường nhựa (đường Võ Văn Hoài) và mở rộng thêm đến 1/2 mặt đường, nguy cơ ảnh hưởng đến 110 hộ dân. Khu vực sạt lở trong đoạn quan trắc cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), có nguy cơ tiếp tục sạt lở thêm trong mùa mưa lũ. Đoạn sạt lở đã được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp tại Quyết định 928/QĐ-UBND, ngày 26/6/2023.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, việc đầu tư xây dựng kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên là rất cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, không gây sạt lở tiếp tục, bảo vệ đường bờ sông, bảo vệ an toàn tuyến giao thông chính liên xã Mỹ Khánh, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhiều người dân sống trong đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên là một trong 3 dự án kè khắc phục sạt lở khẩn cấp, được UBND tỉnh An Giang kiến nghị hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023. Theo đó, kè có chiều dài 350m, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Bảo vệ đầu nguồn
Dự án thứ hai mà UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư là Dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Tiền, đoạn tiếp giáp đầu kè Tân Châu (phường Long Châu, TX. Tân Châu).
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, kè Tân Châu được đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2010, với chiều dài 1.870m (thuộc phường Long Hưng và một phần phường Long Thạnh), từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Sau 13 năm sử dụng, công trình góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ bờ sông, phòng chống sạt lở nhằm bảo vệ trung tâm đô thị TX. Tân Châu, đặc biệt quan trọng là trung tâm hành chính thị xã, tuyến Đường tỉnh 952, 954 và khu dân cư sinh sống tập trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, với các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, tác động của dòng chảy, các yếu tố khác đã làm thay đổi địa hình lòng sông, dẫn đến tình hình sạt lở phía thượng lưu kè Tân Châu (thuộc phường Long Châu) diễn biến ngày càng phức tạp. Từ năm 2021 đến nay, dòng chảy liên tục xâm thực vào bờ từ 1-2m, chiều dài từ 10-30m, lòng sông tạo thành lạch sâu có độ sâu từ -12m đến -13m, cách bờ khoảng 100m, lạch sâu -21m khi cách bờ khoảng 400m.
Ngày 6/10/2022, tại khu vực tổ 2, khóm Long Châu (phường Long Châu), trên tuyến bờ hữu sông Tiền (phía thượng lưu kè Tân Châu hiện hữu, cách Đường tỉnh 952 khoảng 80m) đã xảy ra sạt lở đất bờ sông Tiền, với tổng chiều dài khoảng 20m, vô đất liền khoảng 20m, nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới là rất cao.
Diễn biến sạt lở bờ sông khu vực này ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung, khu trung tâm đô thị và đầu tuyến kè. Nhằm tiếp tục bảo vệ bờ sông và phát huy hiệu quả tối đa của kè Tân Châu, cần thiết phải xây dựng tuyến kè đấu nối với tuyến kè Tân Châu hiện hữu về phía thượng lưu (thuộc phường Long Châu). UBND tỉnh An Giang đề xuất sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, đầu tư tuyến kè với chiều dài 1.426m, tổng kinh phí khoảng 272 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương gặp khó
Ngày 7/6/2023, tại tổ 44, khóm Bình Đức 4 (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, khu vực kho gạo của Công ty Đồng Lợi), trên tuyến bờ Tây sông Hậu đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất với chiều dài khoảng 40m, rộng khoảng 6m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà kho Đồng Lợi 2, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân lân cận. Khu vực sạt lở trong đoạn quan trắc cảnh báo sạt lở, có nguy cơ tiếp tục sạt lở thêm trong mùa mưa lũ.
Theo đánh giá của Sở TN&MT An Giang, tình trạng sạt lở khu vực này đang diễn biến phức tạp, dòng chảy áp sát bờ cao trình -18m đến -20m, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến tuyến Quốc lộ 91. Nhằm ngăn sạt lở tiếp tục, bảo vệ đường bờ sông, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhiều người dân sống trong đoạn sạt lở, UBND tỉnh An Giang đề xuất sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, đầu tư Dự án kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ Tây sông Hậu, tại tổ 44, khóm Bình Đức 4 (phường Bình Đức), từ đầu kè hiện hữu về phía cầu Cần Xây, với chiều dài kè 500m, tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đối với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang sử dụng trong năm 2023, tỉnh đã có phương án phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, trong đó bao gồm các dự án cấp thiết, khắc phục sạt lở và một số dự án quan trọng của địa phương với giá trị 115 tỷ đồng. Đối với quỹ dự trữ tài chính, số dư lũy kế 7 tháng của năm 2023 là 36 tỷ đồng, được tỉnh dành để chi trả cho công tác phòng, chống dịch bệnh (đã phê duyệt chủ trương nhưng chưa xác định nguồn thực hiện).
Đối với nguồn dự phòng ngân sách, dự toán năm 2023 là 289 tỷ đồng (cấp tỉnh 133 tỷ đồng; cấp huyện 156 tỷ đồng); đã sử dụng trong năm là 123 tỷ đồng, còn lại 166 tỷ đồng (cấp tỉnh 31 tỷ đồng; cấp huyện 135 tỷ đồng). Dự kiến cuối năm 2023, sẽ sử dụng hết cho công tác quốc phòng - an ninh.
Do ngân sách địa phương gặp khó khăn nên đối với 3 dự án kè khắc phục sạt lở khẩn cấp trên, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và điều kiện sản xuất của người dân, cần nguồn kinh phí khắc phục sạt lở rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh An Giang còn rất khó khăn, không đảm bảo nguồn để thực hiện. UBND tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ thêm để địa phương khắc phục sạt lở trên địa bàn tỉnh. |
NGÔ CHUẨN