Nương tựa chốn quê
Chị Trần Thị Ngọc Lợi (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) lên tỉnh Bình Dương từ năm 2012. Lúc đầu, khi chưa vào được nhà máy, chị đi nấu cơm, rửa chén, phụ giúp việc nhà nhiều nơi để mưu sinh. Về sau, chị được một người cùng quê giới thiệu, xin vào làm công nhân tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Giai đoạn 2016 - 2019, ngành gỗ Việt Nam phát triển thịnh vượng, thu nhập của chị gần 10 triệu đồng/tháng. Bước sang năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà máy đóng cửa, chị phải khăn gói trở về quê nhà. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chị trở lại tỉnh Bình Dương để tiếp tục xin làm công nhân.
Trong lần trở lại này, những tưởng mọi chuyện sẽ yên ổn, nào ngờ thế giới bước vào suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gặp khó khăn, đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu giảm sâu, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng giá, buộc nhà máy, xí nghiệp phải đứng trước 2 sự chọn lựa: Tạm ngưng sản xuất hoặc giảm công suất, lao động (đến mức thấp nhất) để tồn tại.
Sản xuất chổi bông sậy giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động
“Lên xuống tỉnh Bình Dương nhiều lần, cứ ngỡ cuộc sống dần ổn định. Nhưng thực tế không phải vậy. Khi đơn hàng nhà máy không có, tôi cố ở lại để tìm kiếm công việc khác, nhưng cũng không xong, cuộc sống vất vả lắm. Ở chợ, các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá, từ đó chi phí cho cuộc sống hàng ngày tăng lên rất cao. Tôi chọn con đường về quê, nương tựa vào làng nghề ở quê nhà để mưu sinh qua ngày” - chị Lợi chia sẻ thêm.
Chị Lợi là một trong hàng chục ngàn lao động của tỉnh đi làm việc ở các khu công nghiệp trong cả nước. Khi cuộc sống nơi đất khách gặp khó, họ buộc phải quay về quê để tìm kế sinh nhai. Tại đây, nhờ các làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống vẫn còn hoạt động, nên đã giúp họ có công ăn việc làm tại quê nhà.
Tìm nghề để sống
Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”. Trong số 29 làng nghề, có 14 làng nghề nông thôn và 15 làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho 11.482 lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân của mỗi lao động dao động từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm đến nay, số lao động từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh trở về quê sinh sống. Làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống là nơi giúp những lao động này có việc làm ổn định.
Làng nghề bó chổi ở xã Phú Bình (huyện Phú Tân) là một điển hình. “Làng nghề bó chổi có 350 hộ làm với gần 1.000 lao động tham gia ở 7 công đoạn của quá trình sản xuất ra cây chổi. Để duy trì làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, UBND xã và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân luôn tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với nguồn vốn vay giá rẻ, phục vụ sản xuất, nhờ đó mà người dân có được việc làm, cuộc sống dần ổn định hơn. Đây là một trong những tiêu chí cần đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Bình Lê Thị Kiều Oanh thông tin.
Bình quân mỗi tháng, làng nghề sản xuất chổi Phú Bình xuất xưởng trên 200.000 cây chổi. Sản phẩm được tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài nước; xuất sang Campuchia và Lào. Nhờ có đầu ra ổn định, nên lao động làm nghề này có cuộc sống khá. Bình quân thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng (tùy vào năng lực, công đoạn sản xuất). “Từ đầu năm đến nay, cơ sở sản xuất chổi đón nhiều lao động ở tỉnh Bình Dương trở về làm việc. Vì vậy, số lao động của cơ sở tăng lên đáng kể” - chị Bùi Thị Kim Ngân (chủ Cơ sở sản xuất chổi Út Quân, xã Phú Bình) chia sẻ.
Làng nghề nông thôn đang giải quyết tốt việc làm cho lao động thời kinh tế suy thoái. Đây là cơ sở để triển khai kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề ở các địa phương trong tỉnh. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn, bởi vừa giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ có việc làm hàng ngày, vừa giải quyết số lao động từ các tỉnh trở về như hiện nay.
MINH HIỂN