An Giang nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững

17/02/2023 - 07:16

 - Với mong muốn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; những năm qua, An Giang luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh thời gian tới.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ ưu tiên, phân công các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm với từng chỉ số cụ thể. Các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật. 

UBND tỉnh An Giang chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính (TTHC) để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp (DN); thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững; hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD) sau dịch COVID-19; hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, gắn kết, lắng nghe, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Nhờ đó, năm 2021, Chỉ số PCI tỉnh An Giang đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so năm 2020 và thuộc nhóm điều hành “khá”; so với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của tỉnh An Giang đạt 86,14%, tăng 2,89% điểm so năm 2020 (83,25 điểm), xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020 và xếp hạng 9/13 tỉnh khu vực ĐBSCL, tăng 1 bậc so năm 2020.

 Tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập  DN đã giúp tình hình phát triển DN năm 2022 tiếp tục có khởi sắc so năm 2021. Năm qua, toàn tỉnh có 873 DN và 882 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, cao gấp 5 lần số DN và đơn vị trực thuộc rút khỏi thị trường. Tổng số vốn đăng ký mới 8.858 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, số DN đăng ký tăng 46,23%, số vốn đăng ký mới tăng 10%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 7.104 DN và 4.044 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 79.085 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC về đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài so với quy định tại các văn bản pháp luật về đầu tư. Năm 2022, tỉnh đã phê duyệt 11 dự án mới, với tổng vốn đầu tư l1.660 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 323 tỷ đồng.

Hiện đại hóa, đơn giản hóa

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử; hoàn thuế điện tử… giúp người nộp thuế tiết kiệm được thời gian, chi phí trong giải quyết TTHC, an tâm đầu tư, SXKD. Hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax) đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện các TTHC thuế và chính sách pháp luật thuế…

Rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN. Đặc biệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, kết quả đã thành lập được 11 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên; trong đó, 156 tổ cấp phường/xã, với 1.609 thành viên; 731 tổ cấp khóm/ấp, với 4.908 thành viên. Hệ thống dịch vụ hành chính công (toàn bộ số lượng TTHC của tỉnh) đã cung cấp 2.159 dịch vụ.

Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, các cấp, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa. Chủ động khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh để đẩy mạnh giao thương. Kết quả trong năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của An Giang đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 12,43% so năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh đạt 1,15 tỷ USD, tăng 1,14% so cùng kỳ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trong năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả PCI tỉnh An Giang năm 2021, Bộ chỉ số DDCI năm 2022 và đối thoại với DN. Qua đó, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trong phục hồi hoạt động SXKD cũng như động viên các DN, doanh nhân khắc phục khó khăn, đảm bảo duy trì, ổn định hoạt động SXKD.

Đồng thời, quyết liệt xử lý các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về đất đai, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cho năm 2023 và các năm tiếp theo, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và các năm tiếp theo.

Duy trì kết quả giải quyết TTHC trả trước và đúng hạn đạt từ 99% trở lên. Cập nhật TTHC kịp thời theo quy định. Mục tiêu đến năm 2025, dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; 80% người dân, DN hài lòng với các dịch vụ số của Chính quyền số tỉnh An Giang cung cấp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ DN phục hồi SXKD, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Phấn đấu đạt 15.000 DN đăng ký đến năm 2025.

THU THẢO