An Giang nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho hội viên nông dân

29/06/2020 - 05:24

 - Việc nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, người sản xuất - kinh doanh (SXKD) và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm luôn được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Với nhiều hình thức được triển khai thực hiện như: tuyên truyền, vận động; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả đã giúp thay đổi dần tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt của người dân.

Nhiều biện pháp

Thực hiện Chương trình phối hợp số 526 về an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Chương trình), các cấp Hội Nông dân huyện Tri Tôn đã phối hợp chặt chẽ ngành chức năng tích cực triển khai công tác tuyên truyền đến người dân các vấn đề về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son cho biết, việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; lồng ghép vào các buổi hội nghị; sinh hoạt chi, tổ hội; các buổi họp dân...

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người SXKD, người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tác hại của việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm hàng hóa nông sản…

Nông dân thay đổi tập quán canh tác để bảo vệ môi trường; bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hội còn đóng vai trò là cầu nối để đưa thực phẩm, nông sản sạch đến với các bếp ăn tập thể trên địa bàn, qua đó có 2 đơn vị đã tiêu thụ nông sản gồm: Trường Tiểu học “B” thị trấn Tri Tôn và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tri Tôn. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện đã tổ chức triển khai, phát động sâu rộng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi.

Qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị hướng tới an toàn thực phẩm, tiêu biểu như: mô hình trồng nhãn Ido; mô hình nuôi bò vỗ béo; mô hình Xoài VietGAP của Hợp tác xã Bến Bà Chi; mô hình sản xuất đường thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania…

Là người trực tiếp sản xuất ra nông sản, ông Trần Văn Tạo (thành viên Hợp tác xã bến Bà Chi, xã Lê Trì) nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất nông sản sạch đối với sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng. Do đó, trong quá trình sản xuất, ông Tạo đã sử dụng các biện pháp như: phun xịt thuốc đúng liều lượng, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép. Ông Tạo còn xây dựng kho chứa phân bón, thuốc BVTV; xây hố chứa rác thải… để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, ông còn tuân thủ thời gian cách ly, ưu tiên chọn thuốc trừ bệnh nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chuyên môn.

Tuyên truyền, tập huấn an toàn thực phẩm cho hội viên, nông dân, người sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng

Chuyển biến trong nhận thức

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son thông tin, sau 4 năm triển khai, Chương trình đã mang lại những kết quả khả quan. Nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, huyện; sự phối hợp của các cấp, ngành nên việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động tuyên truyền đã tác động đến nhận thức của người tiêu dùng và người SXKD, chế biến thực phẩm, người kinh doanh dịch vụ ăn uống được nâng lên rõ rệt; ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm có sự chuyển biến tích cực…

Tuy vậy, trong triển khai Chương trình còn gặp nhiều khó khăn như: một bộ phận người dân chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều địa phương chưa có cơ sở giết mổ tập trung; các cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật chưa được quy hoạch bố trí phù hợp và theo đúng quy định nên khó kiểm soát, quản lý...

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Tri Tôn sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về SXKD đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích nông dân chủ động thực hiện các mô hình điểm trong sản xuất sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong chọn lựa nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho chính bản thân.

Đồng thời, hướng dẫn cơ sở SXKD thực phẩm đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị; tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm các điều kiện theo quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm...

ĐỨC TOÀN