An Giang nâng chất hợp tác xã

16/05/2024 - 06:51

 - Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu thành lập mới ít nhất 45 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, không chỉ tăng mạnh về số lượng mà phải có ít nhất 80% HTX hoạt động hiệu quả, 30% HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp (DN). Để đảm bảo HTX hoạt động thực chất, cần sự chung sức của nhiều bên tham gia.

Chú trọng chất lượng

Năm 2024 là năm “bản lề” trong triển khai thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, UBND tỉnh đặt mục tiêu cao trong năm nay để hoàn thành vượt mức yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2025.

Cần phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết tiêu thụ nông sản

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, trong chỉ tiêu thành lập mới ít nhất 45 HTX nông nghiệp năm 2024 để phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, có 27 HTX thành lập mới theo lộ trình của năm 2024, bổ sung 18 HTX chưa đạt chỉ tiêu của năm 2023; đồng thời nâng chất 248 THT. Trong đó, TP. Long Xuyên được giao chỉ tiêu nâng chất 21 THT và thành lập mới 1 HTX; TP. Châu Đốc 15 THT và 2 HTX; TX. Tân Châu 26 THT và 4 HTX; TX. Tịnh Biên 20 THT và 7 HTX; huyện An Phú 10 THT và 6 HTX; Phú Tân 20 THT và 6 HTX; Chợ Mới 23 THT và 2 HTX; Thoại Sơn 11 THT và 1 HTX; Châu Thành 16 THT và 7 HTX; Châu Phú 43 THT và 3 HTX; Tri Tôn 43 THT và 6 HTX.

Trong đó, 80% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (xếp loại tốt, khá từ 60% trở lên); có ít nhất 30% HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với DN, hoặc có DN tham gia vào tổ chức, hoạt động của HTX. Mỗi cấp huyện có tối thiểu 3 HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết bền vững với DN tiêu thụ, là HTX tiêu biểu, có khả năng nhân rộng toàn tỉnh.

Bộ máy quản lý điều hành của HTX đạt ít nhất 24% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, đầu tư để nhân rộng ít nhất 2 HTX về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, hướng đến có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 sao hoặc sản phẩm tiềm năng.

Đối với THT, phát triển ít nhất 5% THT trên tổng số THT hiện có tại địa phương được nâng chất phát triển lên HTX. Các địa phương thường xuyên quan tâm, nâng chất THT đang hoạt động, thực hiện liên kết với DN tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho thành viên, tạo nền tảng để liên kết phát triển thành chuỗi giá trị theo từng ngành hàng.

Gắn kết doanh nghiệp

Không chỉ tăng số lượng và nâng chất lượng HTX, yêu cầu của UBND tỉnh An Giang là tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế tập thể. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh phát triển tổ chức đại diện nông dân, gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tỉnh định hướng phát triển HTX, THT nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất hiện đại, liên kết với DN hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến.

Qua gắn kết HTX với DN và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch, chất lượng sản phẩm.

An Giang tập trung đổi mới phương thức, hình thức hoạt động của HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển mối quan hệ sản xuất hài hòa, đồng hành, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro giữa HTX, THT và DN.

UBND tỉnh An Giang giao sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang (Quyết định 152/QĐ-UBND, ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh).

Trong đó, tập trung phát triển HTX, THT gắn với tái cơ cấu ngành hàng chủ lực, thực hiện hợp tác, liên kết với DN có uy tín, đầu tư lâu dài với tỉnh, như: Lộc Trời, Tân Long, Angimex, Angimex - Kitoku... (ngành hàng lúa, nếp); hệ thống siêu thị (Winmart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh...), chợ đầu mối (ngành hàng rau màu); Chánh Thu, Vinamit, Nafood... (ngành hàng cây ăn trái); Tập đoàn TH, Tập đoàn THACO, C.P Việt Nam... (ngành hàng chăn nuôi); Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Việt Úc... (ngành hàng thủy sản).

Một trong những cơ hội lớn trong phát triển HTX gắn kết với DN và phát triển vùng nguyên liệu bền vững là tham gia thực hiện hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023).

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ HTX, THT trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản liên kết với DN canh tác theo hướng có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm...), có khả năng truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng. Tỉnh cũng tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai cho DN, liên kết với HTX đầu tư, mở rộng, xây dựng khu sản xuất - chế biến - bảo quản nông sản tập trung, hiện đại, khép kín. 

An Giang tiếp tục đẩy nhanh triển khai phương thức hỗ trợ DN tham gia góp vốn, nhân sự, ứng dụng công nghệ vào HTX nông nghiệp, nhằm tăng nguồn vốn hoạt động, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị quy mô lớn, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

NGÔ CHUẨN