Nhiều giải pháp, nỗ lực
Sau khi kết quả được công bố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu tổ chức Hội nghị đánh giá chuyên sâu PCI kết hợp công bố chỉ số DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương). Sau hội nghị, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 699/KH-UBND thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong đó, đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, rõ ràng cho từng chỉ số thành phần và từng chỉ tiêu bên trong, phân công cho từng sở, ban, ngành phụ trách và chịu trách nhiệm thực hiện.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo và chấp thuận cho Sở KH&ĐT tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh về cách làm hay, mô hình tốt của địa phương này trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN).
An Giang phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PCI và công bố kết quả DDCI năm 2022
“Sau chuyến công tác này, Sở KH&ĐT đã đúc kết một số cách làm của tỉnh Quảng Ninh mà An Giang có thể nghiên cứu, áp dụng từ thực tiễn địa phương. An Giang có thể học hỏi, đúc kết nhiều kinh nghiệm cho riêng mình qua cách làm, cách vận hành bộ máy, cách xây dựng thể chế và cách truyền đạt cảm hứng, ý kiến lãnh, chỉ đạo, cách thức tổ chức thực hiện, cũng như các mô hình tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng rất thành công để có thể áp dụng cho tỉnh An Giang” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trang Công Cường thông tin.
Cần ban hành Nghị quyết chuyên đề cải cách hành chính
Để từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nội dung quan trọng trước mắt, để tiến tới ổn định, lâu dài và bền vững trong thời gian tới. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy chuyên đề về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN đến năm 2025, nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương chỉ đạo điều hành từ trên xuống dưới, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị; phân công từng thành viên Thường trực UBND tỉnh chủ trì, phụ trách theo dõi và chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai từng chỉ số thành phần PCI, có kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm về kết quả từng chỉ số thành phần.
Đặc biệt, tập trung mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm các đầu mối trung gian, xây dựng cơ sở dữ liệu của người dân và doanh nghiệp để tái sử dụng, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, nhằm thể hiện sự trách nhiệm và tận tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, hiện đại hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải tiến mạnh mẽ quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm từ 20 - 40% thời gian thực hiện cho mỗi thủ tục hành chính, từng bước tiến tới thực hiện quy trình 5 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả), đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện. Giao Sở Xây dựng phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, làm cơ sở đề xuất dự án thu hút, mời gọi đầu tư. Về lâu dài, cần có một cơ quan chuyên trách để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư.
An Giang đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chỉ số PCI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã trong thực thi nhiệm vụ.
|
HẠNH CHÂU