An Giang nỗ lực chăm lo người mù

06/10/2022 - 07:15

 - Nhằm góp phần chia sẻ những khó khăn về vật chất và tinh thần với hơn 1.600 người mù trong tỉnh, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Người mù tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện chăm lo cất nhà, dạy nghề, hỗ trợ vốn… giúp người mù từng bước ổn định cuộc sống.

Theo Hội Người mù tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có nhiều người rơi vào hoàn cảnh khuyết tật. Nguyên nhân gây mù chủ yếu là do hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, đục thủy tinh thể, bệnh ban sởi, bẩm sinh… Họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp, không đủ đảm bảo đời sống hàng ngày. Do vậy, Hội Người mù tỉnh từ lúc được thành lập (năm 2012) đến nay, đã liên tục có những hoạt động tích cực chăm lo đời sống người mù trong tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn, dạy nghề và chăm lo đời sống người mù.

Các nhà hảo tâm An Giang được trao tặngAn Giang nỗ lực chăm lo người mù Kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù của Hội Người mù Việt Nam

Hội đã phối hợp tốt với các cơ sở có sử dụng lao động là người mù để tạo việc làm ổn định, đã giới thiệu 22 hội viên của 2 chi hội Toàn Thắng và Trường Thọ tham gia lớp massage do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Hội Đông y tỉnh tổ chức. Hội đã phối hợp Trung tâm Đông y - Châm cứu tỉnh An Giang tổ chức 1 lớp kỹ năng xoa bóp và day ấn huyệt cho 9 hội viên người mù, ngay sau đó đã có việc làm ổn định tại Cơ sở xoa bóp Trường Thọ.

Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề - Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh An Giang) tổ chức 2 lớp xâu, kết chuỗi hạt cườm cho 20 hội viên, giúp họ có việc làm ổn định, thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, Hội Người mù Việt Nam giao chỉ tiêu vay vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền 70 triệu đồng. Hội đã khảo sát và cho 2 hội viên người mù có hoàn cảnh khó khăn vay làm kinh tế gia đình với lãi suất ưu đãi.

Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Người mù tỉnh An Giang đã vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng quà cho 11.502 lượt người mù nghèo trong các huyện, thị xã, thành phố với tổng giá trị tiền và hiện vật quy tiền 5,5 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với ngành y tế và các đơn vị, như: Huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Thành, TX. Tân Châu, Hội Nữ Doanh nhân tỉnh, Thư viện tỉnh và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 914 người mù (quà gồm nhu yếu phẩm, sách nói, sách chữ nổi có hình ảnh minh họa cho người mù), tổng trị giá gần 400 triệu đồng.

Trong đợt dịch COVID-19, hội đã tiếp nhận, phối hợp với các nhà hảo tâm và địa phương trao hơn 300 phần quà cho các người mù trên địa bàn TP. Long Xuyên, tổng trị giá 165 triệu đồng tiền mặt và 3 tấn gạo. Hội cũng đã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố xét đề nghị hỗ trợ cất mới 26 căn nhà cho người mù có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Đánh giá chung về kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh An Giang Lê Minh Trí thông tin: “Công tác lãnh đạo của Ban Chấp hành có nhiều đổi mới. Hội đã có các hoạt động thiết thực, giúp cho người mù sống và làm việc có ích như lời Bác Hồ dạy “Tàn nhưng không phế”. Tổ chức hội ngày càng được củng cố, cơ sở vật chất được đáp ứng tốt, chất lượng hoạt động hội từng bước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện tốt, góp phần giúp người mù xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo ông Trí, Hội Người mù tỉnh An Giang vẫn còn những khó khăn đặc thù như công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, điều lệ và các hoạt động hội cho người mù còn hạn chế; hình thức, phương pháp tuyên truyền đôi lúc còn chậm và chưa được đổi mới, hiệu quả chưa cao.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm ủy thác của hội còn thiếu so với nhu cầu vay hiện nay của người mù. Hoàn cảnh đời sống, trình độ người mù hiện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hội viên, người mù nghèo có mức sống dưới trung bình còn khá cao. Nhận thức của một số người mù có nhiều hạn chế, một số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu sự cố gắng, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống...

Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Người mù tỉnh An Giang sẽ tiếp tục củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động hội nhập, năng động, sáng tạo vì hạnh phúc người mù”. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu, như: Phát triển thêm 30 hội viên; cất mới 10 căn nhà Tình thương cho người mù có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; vận động các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp thường xuyên để tổ chức thăm và tặng quà từ 3.000-5.000 lượt người mù trong tỉnh; lập kế hoạch tổ chức từ 1-2 lớp dạy nghề (lớp xóa mù chữ, tin học cho người mù); tặng 50 suất học bổng cho học sinh mù và con của người mù có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Hội sẽ khảo sát, lập danh sách những hội viên có nhu cầu vay vốn, kiến nghị Trung ương Hội Người mù Việt Nam xét bổ sung thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm ủy thác cho Hội Người mù tỉnh, để phân bổ cho các hội viên có nhu cầu vốn để làm ăn, sản xuất - kinh doanh, góp phần chăm lo, ổn định cuộc sống cho người mù.

NGỌC GIANG