An Giang: Phân công trách nhiệm phục vụ tăng trưởng

20/03/2024 - 06:11

 - Không chỉ “tăng tốc” năm 2024 để “về đích” mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài, bền vững hơn.

Trách nhiệm năm 2024

Nhằm “bù đắp” cho những ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, làm chậm tốc độ tăng trưởng của tỉnh, năm 2024, An Giang đặt mục tiêu bứt tốc tăng trưởng với GRDP tăng từ 7,5 - 8,5%. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trong bối cảnh đã có những thời cơ thuận lợi nhưng đan xen thách thức, đòi hỏi quyết tâm chính trị, nỗ lực lớn từ tỉnh đến cơ sở.

UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở, ban, ngành rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu ở các ngành, lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, đối chiếu với chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Từ đó, có giải pháp tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2024 nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố, rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển KTXH của địa phương, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ huyện, thị xã, thành phố đã đề ra, góp phần vào sự phát triển KTXH của tỉnh.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm. Các cấp, ngành, địa phương chú trọng đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện kế hoạch đề ra với tinh thần ưu tiên dành thời gian tập trung nghiên cứu đổi mới, đề xuất ý tưởng sáng tạo phát triển KTXH, tập trung giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã phát triển kinh tế; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.

3 khâu đột phá quan trọng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định 3 đột phá phát triển lớn.

Đột phá thứ nhất, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển, như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

Đột phá thứ hai, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu kinh tế cửa khẩu An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.

Đột phá thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số (trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành nghiên cứu quy hoạch, bám sát các mục tiêu đề ra và 3 đột phá phát triển, các lĩnh vực, ngành quan trọng đến năm 2030, xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách cụ thể, có lộ trình, danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn để triển khai hiệu quả.

Phân công trách nhiệm lâu dài

Các chỉ tiêu lớn đến năm 2030 là GRDP bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 157 triệu đồng; kinh tế số/GRDP trên 20%; tốc độ tăng dân số 0,9%/năm. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 20%; khu vực công nghiệp - xây dựng 25%; khu vực dịch vụ 50%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5%. Các chỉ tiêu này do Cục Thống kê tỉnh phụ trách thống kê, giám sát.

Đối với tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 39%, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách. Trong khi đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 70% do Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách; tỷ lệ đạt 31 giường bệnh/10.000 dân, 11 bác sĩ/10.000 dân do Sở Y tế phụ trách; tỷ lệ đô thị hóa trên 50% do Sở Xây dựng phụ trách.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phụ trách các chỉ tiêu: Tỷ lệ xã nông thôn mới (NTM) đạt 98%, tỷ lệ xã NTM nâng cao 50%, tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM 70%, tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao 35%, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch 98%, tỷ lệ che phủ rừng 2,78 - 3,1%. Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại đô thị 100%, tại nông thôn 80%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom và xử lý tập trung 100%.

Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương phụ trách chỉ tiêu về tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường 100%; phối hợp Sở Xây dựng phụ trách chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định tại đô thị loại II trở lên đạt 50%, tại các đô thị còn lại 20%...

“Toàn bộ hệ thống chính quyền lấy người dân, DN làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, DN, nhất là DN sản xuất, phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Hệ thống chính quyền phải gần dân, sát cơ sở, hỗ trợ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KTXH và đảm bảo an sinh xã hội” - UBND tỉnh An Giang yêu cầu

 

NGÔ CHUẨN