An Giang phấn đấu tăng trưởng 7,5%, giải ngân 95% vốn đầu tư công

20/07/2023 - 17:48

 - Chiều 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Cùng dự, điều hành có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Phước, Trần Anh Thư, Nguyễn Thị Minh Thúy.

Quang cảnh hội nghị

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm phát biểu tại hội nghị

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an An Giang trao đổi tại hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khả quan, GRDP đạt 6,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (3,72%) và cao hơn mức tăng cùng kỳ 2022 (4,9%); thu ngân sách đạt tốt, các chỉ tiêu đều đạt cao hơn so cùng kỳ. Tỉnh đã chính thức khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến đường huyết mạch, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông của tỉnh.

Cùng với phục hồi và phát triển kinh tế, tỉnh còn tập trung chăm lo cho giáo dục, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, An Giang trở lại “Top 10” cả nước về tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao và có nhiều điểm 10, tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Những kết quả khả quan cho thấy, các giải pháp quản lý, điều hành của UBND tỉnh An Giang trong 6 tháng qua là đúng hướng và tích cực. Để đạt chỉ tiêu GRDP năm 2023 tăng 7,5%, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cả năm 2023 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với tập trung tối đa nguồn lực triển khai Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và các dự án trọng điểm của tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình giao các sở, ngành liên quan tranh thủ làm việc với các bộ, ngành, Trung ương ghi vốn, phân bổ vốn đầu tư các công trình, dự án của tỉnh, trong đó ưu tiên các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang (Thông báo 266/TB-VPCP, ngày 6/7/2023 của Văn phòng Chính phủ).

Các dự án gồm: Dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đến Cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi Cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); Dự án tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (nối Tỉnh lộ 945 và Tỉnh lộ 947), huyện Châu Phú; Dự án cầu Tân Châu – Hồng Ngự trên Quốc lộ N1; Dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối TP. Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn).

Tập trung triển khai nhanh và hiệu quả những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, xuất khẩu thủy sản, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan về phòng cháy, chữa cháy trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao các sở, ngành triển khai cụ thể hóa các kế hoạch đã ký kết hợp tác giữa tỉnh An Giang với TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Hà Giang; tiếp tục mở rộng hợp tác với một số tỉnh ở các vùng miền trên cả nước để phát triển thị trường và tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm hàng hóa, du lịch An Giang.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, phải có các giải pháp nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2022. Tăng cường lĩnh vực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm giảm các loại tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh và tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng; thường xuyên thực hiện tiếp, đối thoại với công dân, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người…

NGÔ CHUẨN