An Giang phát triển bền vững nông nghiệp

08/04/2022 - 05:17

 - Giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang không đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp quá cao (duy trì tăng trưởng bình quân 2,8-3%/năm), nhưng tập trung chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Trên cơ sở cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi theo hướng hợp lý, phát triển nông nghiệp hữu cơ, An Giang quyết tâm đưa nông nghiệp trở thành động lực, phát huy vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phù hợp xu hướng hiện đại

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là định hướng cần thiết nhằm tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, vùng ĐBSCL, của tỉnh và các địa phương, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, tập trung hỗ trợ khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò quan trọng của nông nghiệp An Giang.

Theo đó, An Giang tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và tăng sức cạnh tranh. Tỉnh thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân.

Nông nghiệp An Giang phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn lực tự nhiên, huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số và nông sản tham gia rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

An Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Cùng với phát triển nông nghiệp, An Giang tập trung xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn, tạo việc làm, như: kinh tế nhà vườn, kinh tế kết hợp…

Qua đó, từng bước giảm di cư, ổn định xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của cư dân nông thôn. Nhất là, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cư dân nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến đến xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đề ra nhiều chỉ tiêu có ý nghĩa động lực lớn. Giai đoạn 2021-2030, An Giang đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,8-3%/năm (lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tăng bình quân 3%/năm, thủy sản tăng bình quân 3,5-4,5%/năm).

Về cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi từ 72-74% (giảm 2-4% so với năm 2020), lâm nghiệp khoảng 1% (giữ ổn định), thủy sản từ 25-27% (tăng khoảng 3-5%); giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 230 triệu đồng/ha (tăng khoảng 38 triệu đồng/ha so với năm 2020).

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh phấn đấu giảm diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 2,5-2,8%/năm, sản lượng lúa bình quân từ 3-3,5 triệu tấn/năm. Tuy giảm diện tích, sản lượng nhưng giá trị lúa gạo vẫn tăng, lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm hơn 80%. Với sản lượng xuất khẩu khoảng 500.000-600.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu gạo bình quân 315 triệu USD/năm, dự kiến cả giai đoạn 2021-2030, giá trị xuất khẩu gạo mang về 3,15 tỷ USD.

Trong khi đó, với sản lượng xuất khẩu khoảng 110.000-120.000 tấn/năm, kim ngạch 330 triệu USD/năm, cả giai đoạn 2021-2030, thủy sản An Giang (chủ yếu cá tra) có thể mang về giá trị xuất khẩu 3,3 tỷ USD. Với rau quả đông lạnh, sản lượng xuất khẩu được duy trì 10.000-12.000 tấn/năm, giai đoạn 2021-2030 có thể đạt 200 triệu USD (20 triệu USD/năm).

Đến năm 2050, An Giang phấn đấu là một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông, thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

An Giang sẽ là đích đến cho các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực ĐBSCL với thị trường Campuchia và các nước Thái Lan - Lào - phía Nam Myanmar. Đồng thời, là địa phương gìn giữ và phát huy các đặc sắc về du lịch tâm linh, sinh thái kết hợp với thương mại nông, thủy sản và các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng khác.

Phấn đấu đến năm 2050, nông nghiệp An Giang thuộc nhóm đứng đầu khu vực ĐBSCL với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

 

NGÔ CHUẨN