An Giang phát triển đô thị tăng trưởng xanh

19/06/2023 - 06:09

 - Để phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, An Giang đang từng bước đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp…

Đô thị hóa là tất yếu khách quan, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện, như: Đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ...

Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của hệ thống các đô thị.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, toàn quốc mới có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn; ô nhiễm môi trường nước và tiếng ồn ở mức cao.

Hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của BĐKH, như: Tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Trong đó, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây; được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, để phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thời gian qua, trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH vào các đồ án quy hoạch, chương trình phát triển đô thị.

Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị, An Giang đang được Trung ương đầu tư xây dựng công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên nhằm giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Tỉnh đưa vào vận hành Dự án hệ thống xử lý nước thải TP. Long Xuyên với quy mô công suất 30.000m3/ngày đêm; Hệ thống xử lý nước thải TP. Châu Đốc với quy mô công suất 5.000m3/ngày đêm đang hoạt động đến công suất thiết kế. Tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án nâng cấp phát triển đô thị do các Tổ chức nước ngoài tài trợ, như: Chương trình thoát nước và chống ngập úng TP. Long Xuyên do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ; Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị thích ứng và bền vững do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Duy Quang, về đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án nhà ở xã hội, gồm: Dự án khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ quy mô đầu tư 495 căn, đã bán 495 căn; Dự án nhà ở xã hội - Tây Đại học quy mô 448 căn, đã bán 336/448 căn (do mới hoàn thành 3/4 block); Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Bình Hòa quy mô 889 căn, đã bán 637/889 căn (do chưa xây dựng khu chung cư 252 căn); Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH May XNK Đức Thành quy mô 108 căn, đã bán 108/108 căn.

Một số dự án khu đô thị, nhà ở thương mại đang triển khai thực hiện xây dựng các hạng mục về nhà ở xã hội theo chủ trương đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, như: Khu đô thị Golden City; Khu đô thị Tây sông Hậu; Khu dân cư Xẻo Trôm 3; Khu thương mại - dịch vụ và dân cư phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên)... 

Để đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2018 đang được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị, cải tạo khu dân cư thu nhập thấp; cải tạo tuyến rạch trong nội ô bị bồi lắng, ách tắc dòng chảy.

Ngoài ra, tỉnh An Giang phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035 nhằm xây dựng TP. Long Xuyên trở thành “Thành phố xanh, sinh thái” trong tương lai, với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên; đồng thời, chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường, ứng phó BĐKH…

Các mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tiếp tục lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh chỉ đạo các các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý và hướng dẫn quản lý chất thải rắn vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý nước thải nông thôn phù hợp tình hình thực tế của tỉnh; hướng dẫn thực hiện xây dựng cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp - an toàn theo tiêu chí nông thôn mới. Tăng cường rà soát, theo dõi, đánh giá khu vực ô nhiễm, khoanh vùng xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường khu vực nông thôn theo quy định.

“Thời gian qua, phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở An Giang đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó BĐKH của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết

 

MINH ANH