An Giang phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

29/11/2023 - 06:19

 - Sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, phong cảnh thiên nhiên hữu tình… An Giang đang thu hút sự quan tâm của du khách đối với mô hình du lịch (DL) cộng đồng, trong đó có phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

TX. Tân Châu là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển DL, đặc biệt là DL sông nước, DL trải nghiệm, DL sinh thái, DL gắn với văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Mới đây, TX. Tân Châu đã tổ chức tour famtrip DL cộng đồng Chăm Châu Phong, với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm DL đặc trưng của thị xã và giá trị văn hóa truyền thống - ẩm thực của đồng bào DTTS Chăm.

Tour famtrip DL cộng đồng Chăm Châu Phong được khởi hành từ TP. Châu Đốc, di chuyển sang xã Châu Phong, thưởng thức điểm tâm tại làng Chăm. Sau khi ăn sáng, đoàn di chuyển đến Hộ kinh doanh Anas, chuyên sản xuất - kinh doanh tung lò mò (lạp xưởng bò). Đây là một trong những đặc sản của địa phương, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tại đây, du khách được tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức lạp xưởng bò.

Ông Hứa Hoàng Vũ (chủ Hộ kinh doanh Anas) cho biết, để có được sản phẩm chất lượng, nguyên liệu phải là thịt bò tươi, thường dùng thịt đùi hoặc thịt bò nạc lóc từ xương, cùng công thức tẩm ướp gia vị đặc biệt. Ông Vũ đang sản xuất 2 loại sản phẩm là lạp xưởng phơi khô và lạp xưởng tươi, đồng thời nghiên cứu, phát triển sản phẩm lò mò PĐăm (khô bò), sản phẩm quen thuộc của đồng bào DTTS Chăm.

Đoàn tiếp tục di chuyển đến nơi làm bánh bò nướng (Ha-cô) của nghệ nhân Rô Phí Á. Đây là món bánh đạt giải vàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX/2022 (TP. Cần Thơ). Chiếc bánh có sự khác biệt với bánh bò của người Khmer và người Kinh, từ cách pha chế bột, gia vị đến cách chế biến. Bánh khi chín sẽ phồng lên và mang hương vị rất đặc trưng.

Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển đến cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad. Du khách có những trải nghiệm thú vị về quá trình làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm, được chụp hình “phòng cưới” truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, do cơ sở phục dựng. Đồng thời, mua những món quà độc đáo, là những chiếc xà-rông và khăn rằn, ba-lô, túi xách… Ông Mohamad đồng thời là “thuyết minh viên”, giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương đến với du khách.

Hành trình tiếp đến là thánh đường Mubarak, một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất của An Giang, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Thánh đường Mubarak được thiết kế theo dạng tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài thẳng tắp, với gam màu xanh - trắng chủ đạo. Du khách được xem đội văn nghệ hát nhạc Chăm cùng với bộ trống Rap-Ba-Na, loại nhạc cụ thường chơi vào những ngày lễ, Tết. Cuối cùng, đoàn di chuyển về ngôi nhà cổ, có niên đại hơn 100 năm tuổi tại ấp Phũm Soài (xã Châu Phong) để thưởng thức bữa trưa với các món ăn truyền thống, như: Cơm nị, tung lò mò, cà búa, rau luộc, cà ri…

Tour famtrip DL cộng đồng Chăm Châu Phong dù chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng đã để lại ấn tượng đối với các đại biểu tham gia. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (Công ty TNHH MTV Thương mại Nhà hàng khách sạn Hòa Bình) cho biết, trải nghiệm tour famtrip, bản thân bà cảm thấy rất phấn khởi vì được hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống, con người của đồng bào DTTS Chăm. Bà Lan mong muốn tour sẽ được duy trì, phát triển để nhiều du khách có được trải nghiệm thú vị khi tham quan, DL làng Chăm.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Thị Hòa Bình cho biết, việc tổ chức tour nhằm giới thiệu hình ảnh, sản phẩm DL đặc trưng của thị xã và giá trị văn hóa truyền thống - ẩm thực, món ăn dân gian của đồng bào DTTS Chăm với du khách. Qua hoạt động DL còn góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thêm thu nhập cho người dân địa phương. Dự định, tour famtrip sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.

ĐỨC TOÀN