An Giang quan tâm công tác dân tộc

04/02/2020 - 03:46

 - Bằng nhiều nỗ lực, năm 2019 đã có thêm 1.260 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh An Giang thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 5,6% so năm 2018. Tuy nhiên, với số lượng hộ nghèo hiện còn 3.178 hộ (chiếm 11,7% trong tổng số hộ DTTS), cùng 1.669 hộ cận nghèo (chiếm 6,14%), công tác dân tộc đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.

Cố gắng chăm lo

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết, tất cả các chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS đều được tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời, tạo động lực thúc đẩy đồng bào vươn lên. Đối với Chương trình 135, được Trung ương phân bổ gần 27,4 tỷ đồng, tỉnh đã triển khai thành 3 tiểu dự án và 1 hợp phần.

Đối với tiểu dự án 1 (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn), nguồn kinh phí gần 19,3 tỷ đồng được giao UBND huyện, thị xã làm chủ, kế hoạch triển khai trên 40 công trình.

Còn tiểu dự án 2 (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế), có 33 dự án về hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ giống vật nuôi (chủ yếu cấp bò giống) đã được triển khai thực hiện với kinh phí gần 4,36 tỷ đồng; nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo cho 120 hộ tham gia, kinh phí gần 1,14 tỷ đồng.

Riêng tiểu dự án 3 (nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng), toàn tỉnh đã mở 8 lớp tập huấn với 650 học viên tham gia, kinh phí 785 triệu đồng. Đối với hợp phần duy tu, bảo dưỡng công trình, UBND các xã được giao làm chủ đầu tư, thực hiện sửa chữa, nâng cấp 29 công trình đường giao thông nông thôn. Các công trình kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tổ chức sản xuất, nâng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở các địa bàn có Chương trình 135.

Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân thực hiện tốt công tác dân tộc năm 2019

Ngày 12-10-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3038/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, có 6.736 hộ được thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí gần 117,9. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã lập hồ sơ phát vay cho 366 hộ với nguồn vốn gần 12,22 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt danh sách 121 người có uy tín trên địa bàn tỉnh năm 2019, gồm: DTTS Khmer 84 người, DTTS Chăm 14 người, DTTS Hoa 21 người, DTTS khác 2 người. Đồng thời, cấp báo An Giang miễn phí cho người có uy tín năm 2019 là 141,57 triệu đồng, Báo Dân tộc phát triển hơn 69,2 triệu đồng. Những người có uy tín từ tỉnh đến huyện đều được tuyên dương, tổ chức họp mặt cuối năm.

Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Men Pholly cho biết, năm 2019, có 7 dự án và 5 phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện trên địa bàn các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên. Ban Dân tộc tỉnh cùng các ngành, địa phương đã tích cực phối hợp, hỗ trợ để nguồn tài trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Cùng với hỗ trợ trực tiếp, An Giang còn quan tâm công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS. Cùng với 33 cơ sở dạy nghề, tỉnh còn thành lập Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (tuyển sinh 400 học viên/năm, đào tạo 8 nghề). Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 745 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 21.000 người, kinh phí 7,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 100 lớp tập huấn được tổ chức ở vùng đồng bào DTTS cho khoảng 3.000 người.

Bên cạnh đào tạo nghề, chất lượng giáo dục trong đồng bào DTTS được quan tâm. Đến nay, đã có 1 trường THPT Dân tộc nội trú cấp tỉnh (đặt tại TP. Châu Đốc) và 2 trường THCS Dân tộc nội trú đặt tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đến nay, có 462 cán bộ quản lý giáo dục người DTTS. Trong các vùng dân tộc, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập.

Hàng năm, tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 93,1%; có 90,15% người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ. Hiện nay, tỷ lệ học sinh DTTS các cấp chiếm gần 5% so tổng số học sinh toàn tỉnh. Học sinh DTTS được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí, cấp phát học bổng, trang bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập, góp phần động viên các em đến trường, khắc phục tình trạng bỏ học giữa chừng. Đối với cán bộ, giáo viên công tác tại các vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%, giúp cán bộ, giáo viên yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Nhờ sự quan tâm chăm lo của các ngành, các cấp, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 11,7% (3.178 hộ), giảm 5,6% so năm 2018 (1.260 hộ thoát nghèo); hộ cận nghèo 1.669 hộ (chiếm 6,14%). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, dù đời sống người dân vùng DTTS được nâng lên nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tốc độ giảm không đồng đều. Tỷ lệ thoát nghèo hàng năm đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra nhưng số hộ phát sinh nghèo mới vẫn còn, đa số hộ thoát nghèo còn thuộc chuẩn cận nghèo.

Ông Men Pholly cho rằng, cần tăng định mức hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình, tập trung một số công trình trọng điểm (Dự án 2 - Chương trình 135, thuộc Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ), qua đó tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Cùng với đó, cần tăng định mức hỗ trợ các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế phù hợp với tình hình thực tế của An Giang…

NGÔ CHUẨN