An Giang quyết tâm nâng cao Chỉ số PCI

20/06/2022 - 02:12

 - Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so năm 2020 và thuộc nhóm điều hành "Khá"; cách khu vực điều hành "Tốt" là TP. Cần Thơ 1,58 điểm và 5 bậc. So các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so năm 2020. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, Chỉ số PCI An Giang 5 năm liên tiếp đều tăng điểm và thăng hạng.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

Có 4 điểm sáng nổi lên trong thực hiện PCI An Giang năm 2021. Thứ nhất, sự năng động, tính tiên phong và hiệu quả giải quyết công việc của lãnh đạo tỉnh tiếp tục phát huy và được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Có thể nói đây là "phép thử" đối với khả năng quản trị của lãnh đạo tỉnh.

Thứ hai, chi phí không chính thức có xu hướng giảm so với các năm trước đó, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho DN đã giảm đáng kể, ít phổ biến hơn. Thứ ba, hiệu quả giải quyết TTHC cho DN có bước cải thiện, đơn giản, thuận lợi và thông thoáng hơn. Thứ tư, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã đi vào thực tiễn và có tác động rất lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký ban hành Kế hoạch 173/KH-UBND, ngày 30/3/2022 triển khai khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh An Giang năm 2022. Qua đó nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố; đội ngũ cán bộ, công chức thi đua thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ. Quyết liệt cải cách để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, chất lượng phục vụ người dân và DN, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tạo kênh thông tin minh bạch để DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền. Kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá DDCI là căn cứ xem xét, so sánh chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

5 tiêu chí đánh giá các chỉ số thành phần DDCI đối với khối sở, ban, ngành năm 2022, gồm: Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; chất lượng dịch vụ công và chi phí thời gian; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; chi phí không chính thức.

Đánh giá các chỉ số thành phần DDCI đối với khối địa phương (UBND các huyện, thị xã, thành phố) qua 10 tiêu chí: Chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; chất lượng dịch vụ công, hiệu quả cải cách TTHC và chi phí thời gian; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức; hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.

Đối tượng được đánh giá là 19 sở, ban, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện điều tra, khảo sát tại các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất - kinh doanh để xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng; khảo sát bằng hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phân tích: “Sự phát triển của DN không chỉ phản ánh qua các con số thống kê của cơ quan nhà nước, mà còn phản ánh qua kết quả chấm điểm của cộng đồng DN đối với năng lực quản lý, chất lượng điều hành kinh tế và thực thi công vụ của các cấp chính quyền. Điều đó được phản ánh qua Chỉ số PCI và DDCI. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xem Chỉ số PCI và DDCI là một trong những chỉ số tham khảo rất quan trọng và khách quan để phản ánh chất lượng điều hành và thực thi công vụ của bộ máy hành chính các cấp. Đặc biệt là mức độ hài lòng của DN về năng lực quản lý và điều hành của các quan nhà nước trên từng lĩnh vực cụ thể thông qua từng chỉ số thành phần”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “An Giang luôn xác định sự thành công của DN khi đến làm ăn là thước đo cho sự thành công của tỉnh. Lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác tiếp xúc, hỗ trợ DN tại chỗ làm hạt nhân để tạo sự chuyển biến rõ nét và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Để tăng điểm, thăng hạng PCI và đạt được mục tiêu vào nhóm điều hành “Tốt” của cả nước đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ những rào cản, giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc cho DN, từng bước nâng cao chỉ số PCI. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp. Rà soát, cắt giảm những TTHC rườm rà, không cần thiết; tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN, nhà đầu tư…

HẠNH CHÂU