An Giang quyết tâm tăng trưởng nông nghiệp

02/12/2022 - 07:06

Sau 10 năm, lần đầu tiên ngành nông nghiệp An Giang vượt mức tăng trưởng 2,7%, khả năng đạt 2,8% năm 2022. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn ở năm “tăng tốc” 2023 (tăng trưởng từ 3,2-3,5%), đòi hỏi từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều phải nỗ lực, phấn đấu ở mức cao nhất.

Khai thác thế mạnh cá tra

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023, cần tăng đều cả 3 lĩnh vực: Thủy sản (tăng sản lượng cá tra, cá giống và các loài cá có giá trị kinh tế khác); trồng trọt (chủ yếu tăng lúa chất lượng cao và cây ăn trái đã trồng từ những năm trước; riêng lúa vụ thu đông năm 2023 tương đương năm 2022); chăn nuôi (tăng mạnh chăn nuôi heo thịt, gà thịt). Theo đó, để giá trị sản xuất (GO) toàn ngành nông nghiệp năm 2023 tăng thêm 1.700 tỷ đồng so năm 2022, dự kiến phân bổ cho GO trồng trọt tăng 630 tỷ đồng, chăn nuôi tăng 225 tỷ đồng, thủy sản tăng 845 tỷ đồng.

Chăn nuôi trang trại đóng góp vào tăng trưởng nông nghiệp

Với thủy sản, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm tăng 45.000 tấn, giá trị tăng thêm 734 tỷ đồng (tính trên đơn giá 16.300 đồng/kg); sản lượng cá tra giống tăng 151 triệu con, tương đương 45,48 tỷ đồng (300 đồng/con); những loại cá giống có giá trị kinh tế cao tăng thêm 57 triệu con, tương đương gần 23 tỷ đồng. Đối với cá lóc, sản lượng tăng 1.119 tấn, tương đương 44 tỷ đồng (39.700 đồng/kg), tập trung nhiều ở huyện Phú Tân, do nhu cầu xuất khẩu sang Campuchia tăng cao.

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, cá tra giống tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, với diện tích mặt nước hiện nuôi 910ha, dự kiến năm 2023 sẽ tăng thêm diện tích thu hoạch 105ha. Tăng trưởng chủ yếu tại các vùng ương giống tập trung của một số doanh nghiệp (DN) có sản xuất, ương dưỡng giống lớn đã đưa vào sản xuất, tăng vòng quay, như: Nam Việt Bình Phú (150ha), Vĩnh Hoàn (48ha), Nguyễn Văn Nhàn (20ha), Việt Úc (10ha)…

Trong đó, Việt Úc có kế hoạch sản xuất năm 2023 khoảng 100 triệu con, Nam Việt và Nam Việt Bình Phú 100 triệu con, Vĩnh Hoàn 30 triệu con... Ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố, xây dựng các chuỗi liên kết giống 3 cấp từ 2 chi hội giống ban đầu nâng cấp lên thành hợp tác xã, đảm bảo cung cấp giống chất lượng cao, ổn định.

Đối với cá tra thương phẩm, diện tích năm 2023 giữ ổn định 1.235ha nuôi mặt nước, tập trung chủ yếu tại các vùng nuôi lớn, như: Nam Việt Bình Phú (220ha), Nguyễn Văn Nhàn (120ha), Lộc Kim Chi (86 ha). Đối với các vùng nuôi mới của Nam Việt (17 vùng) và của các DN khác cũng có khả năng tăng sản lượng. Đa số các vùng nuôi hiện đang thả hết các ao nuôi, không có ao bỏ trống. Các DN, hộ nuôi đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, quản lý cơ sở theo các tiêu chuẩn quốc tế ASC, BAP để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, đẩy mạnh các phương pháp giảm giá thành sản phẩm nuôi.

Tăng trưởng trồng trọt, chăn nuôi

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, GO năm 2023 tăng khoảng 225 tỷ đồng. Trong đó, chăn nuôi heo thịt tăng 162 tỷ đồng, nhờ các DN, trang trại tăng lượng thả nuôi, như: Trại heo Thagrico (huyện Tri Tôn) thả nuôi 2.000 con heo thịt/lứa (4.000 con/năm) và 2.000 heo hậu bị, cung cấp khoảng 44.000 con heo giống/năm; trại heo Xanh Việt (huyện Thoại Sơn) nuôi heo thịt gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam quy mô 3.000 con/lứa (6.000 con/năm). Với chăn nuôi gà thịt, GO tăng 16,5 tỷ đồng, tập trung ở trại gà thịt Mỹ Phú (huyện Châu Phú), nuôi gia công cho C.P Việt Nam quy mô 60.000 con/lứa (300.000 con/năm).

Trong khi đó, chăn nuôi vịt thịt tăng 12,2 tỷ đồng, tập trung ở trại vịt thịt Lương Phi (huyện Tri Tôn), nuôi gia công cho C.P Việt Nam, quy mô 30.000 con (150.000 con/năm). Ngoài ra, trại bò của Công ty MPA (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) đầu tư 500 con bò sữa để cung cấp sữa cho nhà máy chế biến của Tập đoàn TH, giúp GO bò sữa tăng 17,5 tỷ đồng. Riêng các sản phẩm từ chim yến tăng 1,3 tấn, tương đương 16,9 tỷ đồng.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục vụ tăng trưởng nông nghiệp

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, nhằm hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện mời gọi DN ký hợp đồng tiêu thụ cho hộ chăn nuôi thông qua tổ hợp tác; mời gọi DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tại tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích chuyển diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi...

Đối với trồng trọt, để đảm bảo tăng trưởng GO đạt 630 tỷ đồng năm 2023, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật dựa trên hiện trạng canh tác của các loại cây trồng hiện có, xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho từng loại cây trồng. Theo đó, diện tích lúa chất lượng cao tăng thêm 10.000 ha/năm, tương đương giá trị tăng 178 tỷ đồng. Năm 2023, sẽ có thêm 537ha xoài cho thu hoạch mới (trồng năm 2021), sản lượng khoảng 21,15 tấn/ha, giá bán bình quân 16.500 đồng/kg, tương đương GO tăng 187 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có hơn 800ha cây ăn trái các loại khác cho thu hoạch mới năm 2023, gồm: Sầu riêng đặc sản 44ha (trồng năm 2019), năng suất 30 tấn/ha, tương đương GO tăng 27 tỷ đồng; mãng cầu (na) 41ha, năng suất 5,5 tấn/ha, tương đương 1,9 tỷ đồng; mít 714ha, năng suất 30,8 tấn/ha, GO tăng 100,3 tỷ đồng; chanh 85ha, năng suất 35,9 tấn/ha, tương đương 22,1 tỷ đồng.

Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh chuyển đổi từ 3.000-3.500ha cây màu và rau dưa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp GO tăng thêm 122 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023, rau muống tăng 4.200 tấn, cải xoong tăng 2.000 tấn, dưa hấu tăng 5.000 tấn, dưa chuột tăng 4.000 tấn, bắp non tăng 1.000 tấn (hợp tác với Antesco), hành lá tăng 500 tấn, nấm rơm tăng 700 tấn, ớt tăng 1.000 tấn (có kế hoạch xuất chính ngạch sang Trung quốc), hạt sen tăng 1.000 tấn... Tăng trưởng rau màu sẽ đóng góp vào GO tăng thêm 630 tỷ đồng của lĩnh vực trồng trọt.

NGÔ CHUẨN