An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh

23/03/2022 - 06:43

 - Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở An Giang vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng số ca mắc trong cộng đồng và tỷ lệ tử vong vẫn được kiểm soát tốt. Các hoạt động xã hội trở lại bình thường, giao lưu đi lại của người dân tăng. Tuy nhiên, biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, trong khi nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm thông điệp “5K”, nhất là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập đông người…

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tốt sức khỏe, an toàn cho nhân dân, ngày 17-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký ban hành Công văn 230/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh SXH và tay-chân-miệng. Chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Tiếp tục thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch, như: Giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Cần thực hiện tốt việc đeo khẩu trang

Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời.

Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Tăng cường và bổ sung nhân lực cho Trạm Y tế tại các xã, phường, thị trấn khi có số ca mắc COVID-19 tăng cao; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp “5K” và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân.

Tỉnh thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở cửa nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện. Cùng với tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe... Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện thông điệp “5K”, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

Thực tế vẫn còn bộ phận người dân còn rất chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nơi công cộng, như: Không đeo khẩu trang, tụ tập ăn uống đông người... Tại các chợ, tiểu thương buôn bán nhưng không rửa tay sát khuẩn, có người còn không đeo khẩu trang.

Số ca F0 tăng vọt, khó liên hệ với trạm y tế để báo ca mắc hoặc xin tư vấn, xin cấp thuốc… Đó cũng là những nguyên nhân khiến nhiều người buộc phải tự mua vật tư y tế, thuốc để tự cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà theo những cách riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng gánh nặng cho hệ thống y tế. Do đó, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần chủ động trang bị kiến thức, chủ động ứng phó để tránh những biến chứng đáng tiếc khi bản thân hoặc gia đình có người mắc COVID-19.

Phòng, chống dịch bệnh tại trường học

“Hiện nay, hầu hết các nhà thuốc đều có bán thuốc điều trị F0 (không phải thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng, như: Thuốc ho, hạ sốt, các loại vitamin, kháng đông, kháng viêm...). Nếu bị mắc COVID-19, người dân đến nhà thuốc mua thuốc điều trị F0, nhà thuốc chỉ việc hỏi người lớn hay trẻ em, cân nặng là bán liều uống 7 ngày với số tiền dao động từ 170.000-300.000 đồng/liệu trình. Uống trong 7 ngày là khỏi. Cũng có nhà thuốc bán thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir theo chỉ định của ngành chuyên môn” - chị Tư (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ.         

Trước thực trạng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống SXH, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trình xây dựng, nhà trọ.

UBND tỉnh An Giang đề nghị chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch SXH, tay-chân-miệng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Để hạn chế dịch bệnh trong trường học, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học. Chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

“Hiện nay, số ca bệnh và ổ dịch SXH có chiều hướng gia tăng nhanh so cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cộng dồn tăng 229%, số ca sốc do SXH cộng dồn tăng 227% và theo các chuyên gia y tế, có khả năng tăng cao trong tháng 3, tháng 4 năm 2022. Nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU