An Giang tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

16/05/2023 - 02:31

 - Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh An Giang đã thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời ngăn chặn dấu hiệu, hành vi tham nhũng. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Quyết tâm cao, hành động mạnh

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có sự chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng thực chất hơn.

“Các cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động hơn trong kiểm tra, giám sát. Việc tăng cường phòng ngừa đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trên tất cả lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư công, giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp (DN). Từ đó, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả” - ông Lưu Vĩnh Nguyên cho biết.

Hội nghị triển khai công tác ngành nội chính Đảng năm 2023

“Những tháng đầu năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ” của Đảng bộ, chính quyền các cấp, củng cố thêm niềm tin của nhân dân. Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ đầu năm” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Để phòng ngừa tham nhũng, việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động được các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân và DN về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu; tiến hành kiểm tra tại 20 đơn vị (chưa phát hiện sai phạm). Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh và cấp huyện thường xuyên duy trì kiểm tra tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, uốn nắn, xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm quy định về ứng xử, đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà.

Qua công tác thanh tra tại UBND xã Hòa An (huyện Chợ Mới), phát hiện vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, số tiền sai phạm trên 1,4 tỷ đồng (đã nộp khắc phục) và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý theo quy định. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang thụ lý điều tra 2 vụ, 10 bị can. Cụ thể, 1 vụ, 1 bị can (vụ việc năm 2021 chuyển sang điều tra bổ sung), nguyên cán bộ địa chính UBND xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, số tiền sai phạm trên 4,3 tỷ đồng; 1 vụ, 9 bị can về hành vi “Tham ô tài sản” xảy ra năm 2020, 2021 tại UBND xã Hòa An (huyện Chợ Mới).

Phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ. Nhất là, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đặc biệt, triển khai đồng bộ, liên tục, hiệu quả giải pháp phòng ngừa tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

THU THẢO