Thời cơ và thách thức
Mới đây, chia sẻ tại hội nghị thường niên của Hiệp hội DN tỉnh An Giang năm 2023, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) Võ Thị Thu Hương cho rằng, năm 2022, kinh tế đất nước có sự phục hồi, cộng đồng DN không ngừng lớn mạnh. Cả nước chào đón thêm 150.000 DN thành lập mới, tăng trên 30% so năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng trên 8%, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 37 trên thế giới và lần đầu tiên vượt mốc hơn 400 tỷ USD.
Đối với vùng ĐBSCL, một số tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng phục hồi mạnh sau dịch COVID-19 là Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu. Đối với An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, dù có mức tăng trưởng khá, có thế mạnh về sản phẩm xuất khẩu tốt, nhưng chưa phải là những tỉnh dẫn đầu của vùng. Một thách thức khác là số DN quay lại hoạt động của vùng ĐBSCL năm 2022 giảm 33% so năm 2021, trong khi số DN tạm ngưng hoạt động tăng 45%.
Xây dựng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành “mái nhà chung”, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển
Đối với An Giang, số DN thành lập mới đứng hạng 8/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhưng số vốn đăng ký mới xếp thứ 5/13, chứng tỏ quy mô DN mới ở An Giang khá lớn, là một lợi thế. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, quy mô dân số tỉnh An Giang lớn nhất ĐBSCL, cao hơn các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An nhưng số DN thành lập mới thấp hơn rất nhiều, còn có xu hướng giảm dần qua các năm 2018-2022.
Bù lại, tổng kim ngạch xuất khẩu của An Giang đóng góp trên tỷ USD, tạo nên thành tựu vượt khó của vùng hơn 3 năm qua. “An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, nhiều DN xuất khẩu lớn, có kinh nghiệm quốc tế, lợi thế về nguồn tài nguyên và nhân lực, cần được phát huy”- bà Võ Thị Thu Hương đánh giá.
Trong bối cảnh thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) yếu, nhiều người lao động có khuynh hướng quay về quê, bà Hương cho rằng, các DN An Giang nên tận dụng cơ hội về nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực có tay nghề để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa DN để giữ chân người lao động, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Tạo động lực kết nối
Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ Võ Thị Thu Hương cho rằng, bản thân DN phải xác định tinh thần chủ động vượt khó, nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DN quyết liệt hơn nữa, giảm tổn thương bởi thị trường cho DN.
Kỳ vọng này đang được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nỗ lực thực hiện, bản thân DN cũng tin tưởng khi năm 2022, số tiền thu hội phí đạt cao nhất từ trước đến nay, dù chưa đủ bù chi phí hoạt động. Hiệp hội đã chủ động kiện toàn, củng cố lại tổ chức với việc bầu bổ sung 3 ủy viên ban chấp hành, 3 phó chủ tịch, thành lập: Văn phòng, ban kiểm tra, ban hỗ trợ DN, hội đồng thi đua và 5 ban chuyên môn (ban hội viên - thi đua khen thưởng, ban xúc tiến thương mại và đầu tư, ban tuyên truyền pháp luật - đào tạo - công nghệ thông tin, ban tài chính - ngân hàng, ban khánh tiết - an sinh xã hội), nâng chất hoạt động 2 chi hội DN tại huyện Phú Tân và Châu Thành; đang vận động thành lập thêm 2 chi hội nghề nghiệp là Chi hội doanh nghiệp Tin học và Chi hội doanh nghiệp Chế biến thực phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực thực hiện vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền. Ban Hỗ trợ DN đã tiếp nhận, phối hợp xử lý các kiến nghị của DN về tín dụng ngân hàng, nguồn nhân lực, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai... Thông qua nhóm Zalo, các sở, ngành đã giải đáp thắc mắc, tư vấn cho DN về tín dụng ngân hàng, kết nối giao thương, cung - cầu, tư vấn pháp luật, chính sách...
Qua làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN tái khôi phục hoạt động hiệu quả. DN hội viên đã tích cực tham gia các hội nghị, sự kiện của Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, VCCI Cần Thơ… Ngoài ra, còn tham gia Hội nghị kết nối DN Campuchia do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tổ chức; tham gia đoàn kết nối DN Takeo và tham quan hội chợ Phnom Penh (Vương quốc Campuchia)…
Năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức đêm Gala kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm An Giang với 200 doanh nhân Sài Gòn. Dịp này, Hội Khuyến học TP. Long Xuyên đã nhận 100 triệu đồng do câu lạc bộ tài trợ quỹ khuyến học. Hưởng ứng thi đua chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022), DN hội viên đã hỗ trợ 150 triệu đồng làm đường, 300 triệu đồng xây cầu nông thôn; tặng 1.100 phần quà (trị giá 225,3 triệu đồng) cho hộ nghèo tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia), bà con nghèo xã Vĩnh Hậu (huyện An Phú), xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); xây 5 căn nhà Tình nghĩa (50 triệu đồng/căn)…
Năm 2023 và những năm tiếp theo, bên cạnh nỗ lực xây dựng “mái nhà chung”, tạo niềm tin, sự gắn kết trong cộng đồng DN, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, tham gia Đề án chuyển đổi số của Trường Đại học An Giang, giúp DN lập hồ sơ số cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm thương hiệu An Giang…
Năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang xếp hạng 1/18 đơn vị, dẫn đầu Khối Thi đua 10, được nhận Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh và đang đề nghị xét Cờ thi đua của Chính phủ. Đây là thành tích xuất sắc do sự đoàn kết, phấn đấu tích cực của toàn thể hội viên, tạo làn gió mới trong cộng đồng DN.
|
NGÔ CHUẨN