An Giang tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn

20/09/2022 - 07:22

 - Thời gian qua, hoạt động khuyến công trong tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả hoạt động khuyến công đã tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Huy động nguồn lực

Những năm qua, hoạt động khuyến công trong tỉnh huy động được các nguồn lực tham gia, hoặc hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM. Tuy nhiên, hoạt động khuyến công ở nhiều địa phương vẫn chưa theo kịp được yêu cầu, nhiệm vụ.

Vì vậy, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định 2080/QĐ-UBND, phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ quan trọng trong việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tham gia. Qua đó, góp phần tích cực vào việc phân công lại lao động xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế địa phương trong xây dựng NTM.

Song song đó, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch, an toàn môi trường tại cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

 Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh An Giang giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện chương trình, như: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công…

Giai đoạn 2021-2025, đơn vị cần phải tổ chức 50 lớp đào tạo nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 700 lao động theo nhu cầu của cơ sở công nghiệp nông thôn (từ nguồn Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2025). Hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho 17 cơ sở; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất cho 83 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2 năm/lần, khoảng 2 cuộc trong giai đoạn; phấn đấu 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 6 sản phẩm cấp khu vực, 3 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Hỗ trợ 6 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu.

Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ mô hình liên kết sản phẩm tiểu thủ công nghiệp với hoạt động du lịch, xây dựng điểm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tổ chức đoàn tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, triển khai thực hiện hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp…

Ông Trần Anh Thư yêu cầu, việc triển khai chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của nhà nước, kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề đặc trưng của từng địa phương.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai hoạt động khuyến công. Nâng cao vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về công thương ở địa phương, năng lực của tổ chức triển khai thực hiện chương trình khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương).

Qua đó, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình phải có chất lượng, hiệu quả, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Việc đẩy mạnh công tác khuyến công nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc tiếp cận cơ hội phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.  

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích