Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương được người tiêu dùng tin tưởng
Mở rộng thị trường
Khởi nghiệp năm 2018 với các sản phẩm làm từ tăm tre, bạn Nguyễn Vũ Linh, chủ cơ sở Linh Handmade đã phát triển thêm các sản phẩm biểu trưng, lưu niệm bằng gỗ và tranh lá thốt nốt.
Linh cho biết, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ về mặt tinh thần đến nguồn vốn. Đơn cử, năm 2020, trung tâm đã hỗ trợ cho Linh vay 60 triệu đồng để mở rộng sản xuất - kinh doanh (SXKD).
Ngoài ra, nhân các sự kiện, hội chợ, Linh được trung tâm hỗ trợ đưa sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu. Sự chỉn chu, sắc sảo và độc đáo riêng trên từng tác phẩm kèm với thông tin cơ sở của Linh được chú ý. Cũng từ đây, Linh tìm được khách hàng mới, chủ yếu là cơ quan. Các đơn vị nối tiếp giới thiệu, đơn hàng sau gối đầu đơn hàng trước.
"Nhờ sự hỗ trợ về mọi mặt của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cơ sở đã phát triển gấp 4 lần so với trước. Khách hàng mở rộng khắp các địa phương lân cận và xa hơn là một số đơn vị miền Trung, miền Bắc" - Linh chia sẻ. Ngoài sự tiếp sức của trung tâm, bản thân Linh luôn nỗ lực quảng bá sản phẩm khi được tham dự các hội chợ.
Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn hỗ trợ cho nhiều dự án, sản phẩm của các bạn trẻ trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, như: Trà mãng cầu của hộ kinh doanh Hồ Thành Nam (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn); trà xạ đen Thảo An Khang của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên); mật nho rừng và rượu nho rừng của bạn Đồng Chí Nhân (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn)…
Phát huy vai trò cầu nối
Với vai trò là cầu nối, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh triển khai nhiều hoạt động và chương trình hỗ trợ cá nhân, tập thể trên bước đường khởi nghiệp. Ngoài nguồn vốn ưu đãi; đào tạo, tập huấn kỹ thuật… trung tâm còn tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm...
Trong đó, Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) hiện đang là kênh quảng bá, tiêu thụ được người tiêu dùng tin tưởng. Thông qua hoạt động mua bán tại cửa hàng, những phản hồi của người tiêu dùng sẽ được chuyển đến người sản xuất để có những cải tiến phù hợp.
Một trong những hoạt động thiết thực khác là trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.
Cụ thể, như: Tham gia hoạt động Kết nối cung cầu Công nghệ do Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức; tham dự Ngày hội mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt tại Siêu thị Mega Market (TP. Long Xuyên); triển khai các đợt cao điểm tháng thanh toán không dùng tiền mặt tại Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương; tham gia chợ Tết công đoàn, Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023…
Thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia việc xúc tiến thương mại thông qua các kênh phân phối, bán hàng, hoạt động kết nối giao thương…
“Từ đây đến cuối năm, trung tâm phấn đấu tổ chức đợt cao điểm khuyến mãi, kích thích thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương. Từ đó, giúp mở rộng thị trường, tìm kiếm nhà phân phối, liên kết SXKD…”- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy chia sẻ.
ĐỨC TOÀN