An Giang tập trung bảo vệ vụ lúa hè thu 2021

11/06/2021 - 05:54

 - Vụ hè thu sản xuất trong điều kiện thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, xuất hiện một số dịch hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thường xuyên tổ chức thăm đồng, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại một cách chủ động là yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp và các địa phương nhằm bảo vệ thắng lợi vụ lúa hè thu 2021.

Lưu ý dịch hại

Theo kế hoạch, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa hè thu 2021 với diện tích 230.000ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản xuống giống đạt kế hoạch đề ra. Các trà lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ (126.951ha), đẻ nhánh (66.161ha), một phần đang ở giai đoạn làm đòng (9.349ha), trổ (6.733ha) và chín (3.000ha).

Trên các trà lúa vụ hè thu 2021 đang xuất hiện một số dịch hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, như: chuột, ốc bươu vàng, bù lạch, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, vàng lá, lem lép hạt... Đặc điểm thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều và tối có mưa rào tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại mạnh trong vụ hè thu, như: muỗi hành, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá, lem lép hạt… trên các giống lúa nhiễm sâu bệnh nhiều, như: nếp, OM18, OM5451, Đài thơm 8… nhất là ở những ruộng còn tập quán gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Nếu không theo dõi, phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời thì có khả năng ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Để chủ động phòng, chống các đối tượng gây hại trên cây trồng trong vụ hè thu 2021, chi cục TT&BVTV An Giang yêu cầu lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Chi cục, các Trạm TT&BVTV cấp huyện tổ chức triển khai công tác phòng, chống các đối tượng gây hại cây trồng trong cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ năng suất, sản lượng.

“Tập trung bảo vệ tốt cây trồng, hạn chế dịch hại, đảm bảo năng suất, sản lượng các trà lúa đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ những đối tượng dịch hại, như: rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, muỗi hành và các dịch hại khác, không để dịch bệnh bùng phát gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất và hướng dẫn nông dân khắc phục kịp thời diện tích bị thiệt hại (nếu có)” - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý.

Thăm đồng thường xuyên để phát hiện, phòng trừ dịch hại kịp thời

Phân công trách nhiệm

Ông Hiền cho biết, Chi cục TT&BVTV An Giang tiếp tục thực hiện công tác dự báo tình hình dịch hại diễn biến trên địa bàn, thông báo kịp thời về tình hình dịch hại trên từng khu vực và các trà lúa; thường xuyên, kịp thời phát hành thông báo đến các địa phương và nông dân về việc hướng dẫn phòng trừ các đối tượng dịch hại chính trên cây trồng. Bên cạnh đó, thực hiện các cuộc khuyến nông hướng dẫn phòng trừ các dịch hại ở những vùng có khả năng dịch hại xuất hiện gây hại, đặc biệt là các vùng xuống giống trễ lịch thời vụ.

Đơn vị còn phối hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức nhiều chuyên đề, thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, nhất là ở các vùng trọng điểm để nông dân phòng trừ dịch hại kịp thời và đạt hiệu quả. Các đoàn công tác của Chi cục TT&BVTV tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 đợt kiểm tra, thăm đồng để phát hiện sớm dịch hại giúp nông dân chủ động phòng trừ.

Ngành nông nghiệp cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thăm đồng thường xuyên, cảnh báo, nhắc nhở nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện dịch hại và tổ chức phòng trừ khi có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của nông dân. Trường hợp có tình huống xảy ra dịch hại nặng thì tổ chức dập dịch ngay và báo cáo cho ban chỉ đạo cấp tỉnh để kịp thời hỗ trợ phòng chống, dập dịch.

Đối với các Trạm TT&BVTV cấp huyện, bên cạnh nhiệm vụ dự báo tình hình dịch hại và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, cần thông báo cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV bán đúng thuốc, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng kỹ thuật... Đồng thời, phối hợp kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời việc tự ý nâng giá phân bón, thuốc BVTV khi có tình huống khan hiếm giả tạo hay dịch hại xảy ra trên địa bàn quản lý… Đối với UBND các xã, phường, thị trấn, cần củng cố Ban điều hành cấp xã, xây dựng kế hoạch phòng trừ dịch hại trên cây trồng năm 2021; phân công các thành viên ban điều hành thực hiện công tác thăm đồng và báo cáo tình hình về ban chỉ đạo cấp huyện.

NGÔ CHUẨN

Để bảo vệ sản xuất, phòng trừ dịch hại hiệu quả, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng), chương trình IPM, SRP… Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.