An Giang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp

14/01/2022 - 06:59

 - Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân… là những mục tiêu đã và đang được cả hệ thống chính trị, nhân dân An Giang thực hiện. Tất cả nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà.

Trên con đường phát triển kinh tế, An Giang vẫn dựa vào phát triển nông nghiệp - luôn xem đây là bệ đỡ của nền kinh tế. Tỉnh có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tương đương 297.000ha) và hơn 68% dân số ở khu vực nông thôn. Cây lúa, thủy sản nước ngọt (nhất là cá tra) giữ vị trí quan trọng, đóng góp trên 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giai đoạn 2010-2015, để tạo hướng tăng trưởng mới, tỉnh xác định: Lấy việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị làm nền tảng để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Năm 2012, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 2,47% (cả nước 2,54%). Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 46.000 tỷ đồng, tăng 7,54 lần so với năm 2002; diện tích trồng lúa đạt 637.000ha, năng suất lúa bình quân đạt 6,3 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 4 triệu tấn; diện tích nuôi trồng, sản xuất thủy sản đạt 3.310ha, sản lượng đạt 496.000 tấn.

Giai đoạn 2015-2020 đến nay, tỉnh tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm “lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa”. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, khi giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên.

Tỉnh hình thành được một số vùng sản xuất nông sản chủ lực ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình sản xuất, như: Lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn trái (chuối, xoài), chăn nuôi (heo bò), thủy sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thủy sản), cây dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh) và vùng sản xuất rau an toàn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Nét nổi bật là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển nông nghiệp: Khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Với mong muốn đưa 2 ngành hàng chủ lực (lúa gạo và cá tra) phát triển theo hướng nâng chất lượng, giá trị, tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, tỉnh triển khai Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL (đã được Chính phủ phê duyệt); đang triển khai Đề án xây dựng thương hiệu lúa gạo cho địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Để khắc phục tình trạng “trúng mùa, rớt giá”, từ năm 2011, An Giang là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, được Chính phủ công nhận và nhiều địa phương áp dụng nhân rộng, nổi bật là mô hình “Cánh đồng lớn”.

Các sản phẩm OCOP 4 sao

Đến năm 2020, trên 7% diện tích gieo trồng toàn tỉnh (tương đương 50.000ha) thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ theo “Cánh đồng lớn”. Bình quân mỗi năm có 20 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, 25 tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác) tham gia thực hiện liên kết. Toàn tỉnh có 180 HTX nông nghiệp (chiếm 73,5% so tổng số HTX của tỉnh) với gần 13.000 thành viên (tăng 79 HTX và tăng trên 4.100 thành viên so với năm 2008).

Trong đó, 20 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh thu bình quân 4,5 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận 270 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập của thành viên HTX từ 40-48 triệu đồng/năm. Bước đầu xây dựng mô hình HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh, tạo điều kiện phát triển thành HTX nông nghiệp kiểu mẫu.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và sự quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân góp phần tạo động lực, khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn An Giang ngày càng phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Từ phát triển nông nghiệp, quá trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực chất, diện mạo nông thôn và đời sống người dân khởi sắc hơn. Đến nay, 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 51,7% so với tổng số xã), 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn). Tổng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 trên 11.820 tỷ đồng

 

TRỌNG TÍN