Qua tự test nhanh hoặc lo lắng do có các triệu chứng về hô hấp hãy gọi Tổng đài tư vấn
Thành lập Tổng đài tư vấn giúp người bệnh có hướng theo dõi và xử trí đúng, an tâm về tinh thần nhanh chóng khỏi bệnh
Theo Sở Y tế An Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong tỉnh, số ca mắc và tử vong có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng được phát hiện trễ, khi đến cơ sở điều trị đã trong tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Thời gian qua, đường dây nóng của Sở Y tế cũng nhận rất nhiều phản hồi, ý kiến của người dân về việc được quản lý, chăm sóc, theo dõi điều trị F0 tại nhà.
Để tạo kênh thông tin giúp người dân, người nghi ngờ mắc COVID-19, người F0 đang cách ly điều trị tại nhà có thể được tư vấn, kết nối với các nhân viên y tế, cơ sở điều trị khi cần thiết, Sở Y tế An Giang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn An Giang, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch thành lập tổng đài tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe F0 điều trị tại nhà trên địa bàn An Giang (gọi tắt là tổng đài).
Trụ sở hoạt động của tư vấn viên tại Sở Y tế An Giang, với số Tổng đài: (0296)1022. Dự kiến, triển khai từ tháng 1-2022. Thời gian hoạt động của Tổng đài tư vấn viên F0 điều trị tại nhà: Từ 8 – 20 giờ hàng ngày (mỗi ca trực 6 tiếng, ca 1, từ 8 – 14 giờ; ca 2, từ 14 – 20 giờ). Số lượng tổng đài viên mỗi ca 2 người gồm bộ phận chuyên môn y tế (y, bác sĩ) và tình nguyện viên.
Đối tượng được Tổng đài tư vấn hỗ trợ là người nghi ngờ mắc F0 (do mới phát hiện, tự test nhanh kháng nguyên dương tính hoặc do có triệu chứng nghi ngờ và lo lắng do có tiếp xúc gần với F0) chưa liên hệ với cơ quan y tế hỗ trợ hoặc không liên hệ được với cơ quan y tế. Người F0 đang điều trị tại nhà cần Tổng đài tư vấn hỗ trợ thêm. F0 cần hỗ trợ khẩn cấp.
Theo đó, Tổng đài viên ghi nhận thông tin ban đầu của người F0 đang điều trị tại nhà, chuyển thông tin đến bác sĩ tư vấn viên phụ trách xã phường theo địa chỉ của người bệnh. Bác sĩ tư vấn viên tiến hành tư vấn trực tuyến. Tiến hành khai thác bệnh sử, tiền sử, tình trạng tiêm ngừa; tư vấn các dụng cụ theo dõi sức khỏe tại nhà F0 cần trang bị và các sử dụng để theo dõi các chỉ số sức khỏe; cung cấp chẩn đoán và phân loại mức độ sơ bộ.
Nếu mức độ trung bình trở lên, hướng dẫn F0 kết nối với cơ quan y tế. Tư vấn các nội dung: Các dấu hiệu báo động bệnh diễn tiến nặng; cách tập thở, tập ho, tập vận động; chế độ ăn uống, nghỉ ngơi; giữ vệ sinh; tư vấn ổn định, nâng đỡ tâm lý; tư vấn cách sử dụng đúng các gói thuốc điều trị (gói A, B, C)... Trong quá trình theo dõi nếu bệnh diễn tiến chuyển mức độ nặng hơn hướng dẫn F0 kết nối với cơ quan y tế; hướng dẫn các quy định cho F0 điều trị tại nhà.
Đối với người nghi ngờ là F0 (qua tự test nhanh dương tính hoặc lo lắng do có các triệu chứng về hô hấp và/hoặc là F1 có tiếp xúc với người F0): Nếu người gọi tự test nhanh dương tính: Tổng đài viên hỏi về các dấu hiệu báo động bệnh chuyển biến nặng, nếu có thì hướng dẫn F0 kết nối với cơ quan y tế để được hướng dẫn chẩn đoán xác định và điều trị. Nếu không có bất kỳ dấu hiệu báo động bệnh chuyển biến nặng nào, hướng dẫn F0 kết nối với cơ quan y tế để được chẩn đoán xác định song song với ghi nhận thông tin ban đầu, chuyển thông tin đến bác sĩ tư vấn viên phụ trách xã phường theo địa chỉ của người bệnh. (chuyển sang quy trình tư vấn cho người F0 nhẹ hoặc không triệu chứng đang điều trị tại nhà).
Nếu người gọi lo lắng do có các triệu chứng về hô hấp hoặc là F1 có tiếp xúc với người F0, nhưng chưa được bất kỳ phương tiện chẩn đoán nào, Tổng đài viên tiến hành trấn an tâm lý, hướng dẫn người gọi kết nối với cơ quan y tế địa phương hoặc các cơ sở y tế có năng lực chẩn đoán để được chẩn đoán.
Nếu F0 cần hỗ trợ khẩn cấp (F0 có các dấu hiệu báo động bệnh chuyển biến nặng hay có các dấu hiệu nặng, nguy kịch cần hỗ trợ khẩn cấp): Tổng đài viên đánh giá nguy cơ, ghi nhận nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ F0 hoặc thân nhân. Hướng dẫn F0 hoặc thân nhân kết nối với cơ quan y tế địa phương, cấp cứu chuyển viện.
Tin, ảnh: HẠNH CHÂU