Người sản xuất hưởng lợi
Là một trong những người tham gia Chương trình OCOP tỉnh An Giang từ buổi đầu, chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên), hiểu được những khó khăn khi đăng ký sản phẩm OCOP cũng như giá trị và lợi ích mà chương trình mang lại. Sản phẩm trà xạ đen Thảo An là một trong những sản phẩm đầu tiên được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Từ kinh nghiệm về thủ tục, hồ sơ, tiêu chuẩn của sản phẩm trà xạ đen (nguyên lá), chị Phượng đưa sản phẩm thứ 2 là trà túi lọc xạ đen tiếp cận chương trình OCOP thuận lợi hơn. Ở đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào tháng 8-2020, sản phẩm trà túi lọc xạ đen đã được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh phân hạng 3 sao.
“Khi được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP và dán logo OCOP, sản phẩm được khách hàng tin dùng và ưa chuộng hơn. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, các sản phẩm trà xạ đen được vinh dự tham gia vào giỏ quà tặng của tỉnh, giúp sản phẩm có thêm nhiều cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada…), sản phẩm OCOP tạo được niềm tin tốt hơn” - chị Phượng chia sẻ.
Chứng nhận OCOP là minh chứng cho uy tín của sản phẩm
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm, đặc thù An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi, sông ngòi chằng chịt, có nhiều sản vật gắn với bản sắc văn hóa của 4 dân tộc trên địa bàn (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Với điều kiện địa lý khá thuận lợi từ giao thông, thương mại và đặc biệt là các khu làng nghề, nghề truyền thống, khu du lịch cấp quốc gia, các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… là điều kiện thúc đẩy, quảng bá, giới thiệu, phát triển các loại sản phẩm OCOP. Thấy được lợi thế này, chương trình OCOP đã được đẩy mạnh triển khai trên toàn tỉnh.
Với quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đã tổ chức thành công 3 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Kết quả, có 37 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3-4 sao (26 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao) và 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao (đề xuất Trung ương đánh giá, xem xét công nhận sản phẩm cấp quốc gia). Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Tháo gỡ khó khăn
Cùng với hỗ trợ cấp chứng nhận OCOP, các chủ thể kinh tế còn được tỉnh, huyện hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ sản xuất, tư vấn…
Năm 2020, trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế nhưng tỉnh đã tích cực hỗ trợ in tem logo OCOP cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; hỗ trợ 2 mô hình nông nghiệp ứng công nghệ cao cho vùng nguyên liệu dâu tằm (sản xuất rượu dâu tằm) và vùng nguyên liệu nuôi cá thát lát cườm (sản xuất chả cá thát lát tẩm gia vị và chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị); hỗ trợ đổi mới máy công nghệ cho sản phẩm trà túi lọc xạ đen, sản phẩm tinh dầu chúc… với tổng kinh phí gần 730 triệu đồng.
Các sản phẩm OCOP đã được tham gia trưng bày, giới thiệu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Nam (tổ chức tại An Giang). Tỉnh đã xây dựng 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, 1 điểm tại siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); triển khai đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam, ứng dụng của Viettel (VOSO)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP hiện nay còn gặp những khó khăn khi nhân sự trực tiếp tham gia đều kiêm nhiệm (sử dụng nhân sự của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); thiếu cán bộ chuyên trách hoặc chuyên gia tư vấn am hiểu trên từng lĩnh vực để giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP.
Để tiếp tục triển hiệu quả Đề án OCOP_AG, Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ Chương trình OCOP vào Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bố trí cán bộ cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ này.
Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu thực tiễn, các địa phương có thể lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP, giúp các chủ thể tham gia OCOP và các cơ quan quản lý ở địa phương trong xây dựng kế hoạch, hình thành ý tưởng, lựa chọn sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật (hỗ trợ theo chuỗi giá trị để hình thành sản phẩm OCOP), nâng cao năng lực, nâng cấp và hoàn thiện các điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại. Đồng thời, khi có điều kiện, có thể lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP có kinh nghiệm về lĩnh vực dịch vụ tư vấn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tượng được tư vấn.
NGÔ CHUẨN