An Giang thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

29/05/2024 - 06:38

 - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có buổi kiểm tra công nhận kết quả tỉnh An Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Kết quả, đoàn kiểm tra kết luận An Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2023.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công nhận kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh An Giang

Tại mỗi địa phương, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT làm việc với Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của huyện/thành phố, xem xét hồ sơ của huyện/thành phố, xem xét hồ sơ của một số xã/phường/thị trấn, kiểm tra thực tế tại 2 xã/phường/thị trấn, một số trường THCS và tại mỗi xã/phường/thị trấn kiểm tra trực tiếp tại 2 hộ gia đình.

Qua kiểm tra, đánh giá chung của đoàn kiểm tra, ngành GD&ĐT An Giang đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, thực hiện mục tiêu Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị về việc củng cố chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Theo đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cấp học tổ chức triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ của năm học; phối hợp có hiệu quả các cuộc vận động trong nhà trường; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm học sinh yếu; có nhiều giải pháp tích cực duy trì sỉ số, khắc phục tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, như: Cán bộ, giáo viên đỡ đầu học sinh nghèo, khó khăn, gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, lễ ra trường cho học sinh lớp cuối cấp học, tăng cường các sân chơi, hoạt động trong nhà trường... tạo môi trường giáo dục thân thiện, thu hút học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời phối hợp, tổ chức tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” hàng năm, huy động tối đa các đối tượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GD&ĐT có nhiều giải pháp thực hiện “không để học sinh bỏ học vì nghèo”.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Sái Công Hồng đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đối với công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Theo đó, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp đã kiện toàn, tổ chức hoạt động có hiệu quả trong công tác huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số học sinh; thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Để duy trì vững chắc kết quả đạt được, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Sái Công Hồng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa từng bước nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp, trường học đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về ý nghĩa, mục đích của công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 714 trường học. Trong đó, 1 nhà trẻ, 197 trường mầm non, mẫu giáo; 307 trường tiểu học; 155 trường THCS; 54 trường THPT. Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT tập trung sắp xếp lại mạng lưới trường học theo hướng giảm các trường có quy mô nhỏ. Cơ sở vật chất từng bước được tiếp tục tăng cường, trường lớp khang trang hơn. Số trường đạt chuẩn quốc gia tính đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ 53,62% (370 trường) so thời điểm kết thúc năm học 2017 - 2018 là 18,40% (127 trường).

Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục - xóa mù chữ toàn tỉnh đạt: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 156/156 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2023. Phổ cập giáo dục tiểu học, 156/156 xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 11/11 địa phương đạt chuẩn mức độ 3; tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2023.

Phổ cập giáo dục THCS, 156/156 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 82 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (năm 2023 là 67 xã); 9/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, có 2/11 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (năm qua 1 huyện); tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Kết quả xóa mù chữ, 147/156 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 8/11 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ, việc đạt chuẩn là việc khó khăn nhưng để duy trì và nâng chuẩn đạt còn khó khăn hơn. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng các biện pháp, giải pháp để giữ vững và nâng cao công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Đồng thời lưu ý, đối với các ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra, yêu cầu Sở GD&ĐT, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp thu, nhanh chóng rà soát, bổ sung. Tập trung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, các báo cáo liên quan để kịp thời trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét công nhận An Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 2, tiểu học mức 3.

PHƯƠNG LAN