Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Phát huy thế mạnh du lịch (DL), trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL. Hỗ trợ hình thành điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm DL tỉnh. Phối hợp các tỉnh, thành phố xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày các sản phẩm OCOP tại các khu, điểm DL, như: Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... Hỗ trợ kết nối các tour, tuyến DL đến với các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; tổ chức các cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng DL tỉnh An Giang.
Tổ chức “Ngày An Giang” tại các tỉnh, thành phố - trung tâm DL trên cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng, khách DL trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP theo các nhóm ngành hàng và thị trường. Thực hiện video-clip tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP.
Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) OCOP ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP để hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường…
Quan tâm hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP
Được tỉnh hỗ trợ, các DN đạt chứng nhận OCOP được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội thảo, kết nối giao thương để tăng cường kết nối, trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường. Qua xúc tiến thị trường, giúp các DN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, nâng sức sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022, thu hút gần 125.000 lượt khách tham quan, sau 5 ngày hoạt động. Ngày hội có 180 gian hàng của các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh; trong đó các sản phẩm OCOP tỉnh tạo được thế đứng trong sự lựa chọn của du khách.
Trong khuôn khổ ngày hội, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động DL”. Hội nghị tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất, phân phối của An Giang và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.
Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tại đây, Sở Công Thương các tỉnh cùng siêu thị Tứ Sơn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phối hợp tổ chức chuỗi Phiên chợ cuối tuần, trưng bày các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Có mặt tại ngày hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước khoáng SM Trần Kim Liên chia sẻ: “Nước khoáng thiên nhiên 100% khoáng thuần khiết từ vùng núi Cấm nhiều năm qua được người tiêu dùng tín nhiệm. Sau khi được công nhận OCOP 3 sao, ngoài được tỉnh hỗ trợ thực hiện dây chuyền công nghệ sản xuất mới còn tích cực quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, DN có thêm nhiều thị trường trong, ngoài tỉnh và tăng lượng sản xuất hơn 500.000 chai/tháng”.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Thái Minh Nguyên (huyện Chợ Mới) Vũ Minh Tú cho biết: “Sản phẩm trà Kim Ngân Hoa được hỗ trợ xúc tiến thương mại ở tỉnh Ninh Thuận, Đồng Tháp... Qua đó, giúp DN quảng bá hình ảnh, công dụng, tăng độ tin cậy của khách hàng đối với sản phẩm. Để có thêm điều kiện tiếp cận thị trường, mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ các DN giới thiệu sản phẩm nhiều nơi hơn”.
Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên) Quách Thị Yến Phượng chia sẻ: “Thông qua xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, người tiêu dùng càng tin tưởng hơn thương hiệu của mình. Nhờ đó đưa thương hiệu vươn xa”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phụng, chủ cơ sở mắm Bà Giáo Thắm 9999 (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Sản phẩm trước nay chỉ bán ở chợ cho khách DL. Nay có mặt tại ngày hội, không chỉ quảng bá thương hiệu mắm, mà còn giúp du khách biết đến sản phẩm đặc trưng của tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Phạm Văn Phúc cho biết: “Du khách đến với Châu Đốc, ngoài thưởng lãm những thắng cảnh nổi tiếng, không quên mang về những sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Khô, mắm, đường thốt nốt... Điều này mở ra nhiều cơ hội để các cơ sở, DN khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ DL mang tính đặc sản của địa phương.
Hiện, Châu Đốc có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao: Khô cá tra phồng - Công ty Trương Hải); mắm thái - Cô Tư Ấu; mắm cá Linh - Bà Giáo Khỏe 7777777; nước màu thốt nốt - Công ty Thảo Hương; Rượu linh châu quách tửu - Trâm Quân; lạp xưởng - Minh Hương. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, giá trị trên thị trường và được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. Đồng thời làm phong phú, quảng bá hoạt động DL và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Để quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP, các DN kiến nghị, tỉnh cần hình thành Điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với điểm DL. Tiếp tục hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP, xúc tiến thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ DN OCOP ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử. Tiếp tục hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu hàng hóa.
HẠNH CHÂU